IMF dự báo kinh tế châu Âu sụt giảm mạnh nhưng không suy thoái

Theo dự báo của IMF được công bố hồi đầu tuần này, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay dù Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ.
IMF dự báo kinh tế châu Âu sụt giảm mạnh nhưng không suy thoái ảnh 1Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế châu Âu sẽ chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong năm nay, nhưng hầu hết các quốc gia sẽ tránh được suy thoái.

Giám đốc bộ phận châu Âu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Alfred Kammer đã đưa ra nhận định như vậy trong ngày 14/4.

Suy thoái nhẹ

Theo quan chức trên, chắc chắn có nguy cơ suy thoái ở một số quốc gia nhưng có thể ở mức độ nhẹ hơn các dự báo đưa ra trước đó. Đức là quốc gia duy nhất trong Eurozone mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo sẽ bước vào suy thoái trong năm nay.

Với việc bị hạ dự báo tăng trưởng kinh tế, Đức sẽ cùng với Anh là hai quốc gia thành viên trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có khả năng suy giảm kinh tế trong năm 2023.

Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Đức suy giảm được cho là do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.

[Ngân hàng Trung ương châu Âu dự báo lạm phát ở Eurozone có thể giảm]

Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm mạnh buộc các nhà hoạch định chính sách phải tìm kiếm các nguồn cung khác.

Theo ông Kammer, Đức chịu tác động nặng nề hơn do nước này phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga nhiều hơn so với các quốc gia châu Âu khác."

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức, công bố ngày 14/4, cho biết suy thoái kỹ thuật trong hai quý âm liên tiếp dường như đã được ngăn chặn.

Theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng 0,1% trong quý 1 năm 2023, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 0,4% trong quý 4 năm 2022.

Những dự báo hiện tại cũng cho thấy GDP trong cả năm 2023 sẽ tăng nhẹ. Các viện kinh tế hàng đầu của Đức đều dự báo rằng kinh tế nước này trong năm 2023 có thể tăng trưởng 0,3%.

Các chỉ số kinh tế cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đáng chú ý trong quý đầu tiên, với sản lượng công nghiệp và xây dựng đạt tăng trưởng, tình trạng “thắt cổ chai nguyên liệu” cũng dần được tháo gỡ, giá năng lượng giảm và điều kiện thời tiết thuận lợi.

Điều chỉnh dự báo

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được công bố hồi đầu tuần này, Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay dù Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ.

Ông Kammer cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã điều chỉnh dự báo kinh tế Eurozone tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng Một năm nay nhờ mùa Đông ấm áp hơn và hành động chính sách quyết đoán của các nhà hoạch định chính sách.

Ông cũng hy vọng dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ trở thành hiện thực vào cuối năm nay trước khi tăng tốc hơn nữa trong năm sau.

Trong khi đó, ngày 14/4, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde nhận định tỷ lệ lạm phát ở khu vực đồng euro (Eurozone) có thể sẽ giảm trong những tháng tới, nhưng vẫn còn những yếu tố không chắc chắn xung quanh dự báo này.

Cũng theo quan chức này, các mức tăng lương cao hơn dự báo có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao, trong khi "những căng thẳng trên thị trường tài chính" hoặc giá năng lượng giảm nhanh có thể khiến lạm phát tăng chậm lại.

Trong tháng Ba, giá tiêu dùng trên cơ sở hằng năm ở Eurozone đã tăng 6,9%, giảm từ mức 8,5% trong tháng 2 xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 10,6% ghi nhận vào tháng 10/2022.

Trong các dự báo gần đây nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu cho rằng lạm phát ở Eurozone sẽ ở mức trung bình 5,3% vào năm 2023, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Sau đó, lạm phát dự báo sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025.

Lạm phát leo thang do chi phí năng lượng tăng vọt đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng lãi suất với tốc độ kỷ lục để ngăn chặn giá tiêu dùng gia tăng.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã làm dấy lên quan ngại và ngày càng nhiều lời kêu gọi tiết chế đà tăng lãi suất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục