Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, vòng một đàm phán về Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã diễn ra tại thủ đô Prague từ ngày 23-25/10.
Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam gồm 11 thành viên do ông Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, làm trưởng đoàn.
Đoàn đàm phán liên ngành của Cộng hòa Séc gồm 5 thành viên do bà Gabriela Blahova, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề hình sự quốc tế, Bộ Tư pháp, làm trưởng đoàn.
Mặc dù hệ thống tư pháp của Việt Nam và Cộng hòa Séc có nhiều điểm không tương đồng, lợi ích và mục đích đặt ra ở mỗi quốc gia có một số điểm không tương đồng, song hai đoàn đàm phán đã thống nhất được về cơ bản các điều khoản chung của Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, tạo cơ sở cho việc đàm phán vòng hai tại Việt Nam trong năm 2018.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Lê Tiến, Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam, cho biết: “Tôi hài lòng với kết quả đạt được của vòng một. Việc tổ chức đàm phán và tiến tới ký kết thành công Hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý giữa hai nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua đó góp phần củng cố quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cũng như góp phần tích cực vào bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam tại nước bạn.”
Ngày 25/10, Đoàn Đàm phán Việt Nam về Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Prague.
Đại sứ Hồ Minh Tuấn đã thông báo với Đoàn những nét cơ bản về cộng dồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, nêu rõ nguyện vọng của bà con về việc sớm ký kết chính thức Hiệp định về tương trợ tư pháp hình sự giữa hai nước. Trưởng đoàn Lê Tiến đã thông báo với Đại sứ về thành công bước đầu của vòng một cuộc đàm phán.
Theo tư liệu của TTXVN, Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc đã được ký kết vào năm 1982. Tuy nhiên, việc thực hiện Hiệp định bị gián đoạn từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước do sự thay đổi thể chế tại Cộng hòa Séc. Để nối lại việc tương trợ tư pháp, trong nhiều năm qua hai nước đã có nhiều cuộc đàm phán, trao đổi ở nhiều cấp khác nhau.
Đáng chú ý là chuyến thăm làm việc tại Séc từ ngày 21 đến 24/9/2014 của đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu. Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Séc Helena Valkova.
Tại cuộc hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục “hiện đại hóa” Hiệp định Tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa đã ký năm 1982.
Hai bên cho rằng Hiệp định về chuyển giao những người bị kết án phạt tù để thi hành án ở nước mà họ có quốc tịch và thường trú đã được hai bên cơ bản hoàn tất và chuẩn bị ký sớm. Đây có thể được coi là bước đột phá trong quan hệ tư pháp giữa Việt Nam và Séc.
Mới đây nhất, ngày 7/6 tại Hà Nội trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc về hợp tác phòng, chống tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù./.