Khả năng Canada tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) nêu rõ nền kinh tế Canada vẫn đang phát triển quá nóng, với nhu cầu vượt cung và BoC cần hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát.
Khả năng Canada tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát ảnh 1Trụ sở Ngân hàng trung ương Canada tại Ottawa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một phát biểu mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Tiff Macklem nhận định rằng con đường để nền kinh tế Canada tránh được kịch bản suy thoái đang thu hẹp lại, nhưng BoC sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay cả khi nền kinh tế giảm tốc và nguy cơ bất ổn trên thị trường tài chính gia tăng.

Thống đốc Macklem nêu rõ nền kinh tế Canada vẫn đang phát triển quá nóng, với nhu cầu vượt cung. BoC cần hạ nhiệt nền kinh tế và giảm lạm phát.

Các bình luận của Thống đốc BoC được đưa ra trong bối cảnh thị trường liên tiếp nhận được các dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm, sự bất ổn trên thị trường trái phiếu của Anh và dữ liệu lạm phát đáng lo ngại từ Mỹ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc mạnh trong năm tới và một cuộc suy thoái nhẹ có thể xuất hiện ở Canada.

Các đợt tăng lãi suất liên tiếp của BoC kể từ tháng 3/2022 đã và đang siết chặt nền kinh tế Canada, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như thị trường nhà đất.

Hiệp hội Bất động sản Canada cho biết trong tháng 9 vừa qua, doanh số bán nhà trên toàn quốc đã giảm 3,9% so với tháng trước đó, trong khi chỉ số giá nhà giảm 1,4%.

[Canada chấp nhận rủi ro suy thoái kinh tế để kiểm soát lạm phát]

Tuy nhiên, Thống đốc Macklem cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa cầu trở lại phù hợp với cung, đặc biệt là trên thị trường lao động, nơi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công.

Chi phí đi vay cao hơn sẽ làm chậm lại hoạt động kinh doanh và giảm nhu cầu đối với người lao động.

Ông cho biết việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 2% sẽ đòi hỏi một thời kỳ hoạt động kinh tế chậm hơn, mặc dù không nhất thiết phải là suy thoái.

Các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cuộc xung đột ở Ukraine càng kéo dài thì càng khiến môi trường kinh tế bất ổn, nơi giá năng lượng biến động nhiều hơn và lạm phát dai dẳng hơn.

Bên cạnh những lo ngại về lạm phát và tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách đang ngày càng chú ý đến những bất ổn xuất hiện trên thị trường tài chính khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục