Khả năng xảy ra cuộc chiến khí đốt Địa Trung Hải giữa Liban và Israel

Việc phát hiện ra trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ trong những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải một mặt mang lại cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong khu vực này.
Khả năng xảy ra cuộc chiến khí đốt Địa Trung Hải giữa Liban và Israel ảnh 1Một tàu khoan của Energean ở mỏ khí đốt tự nhiên Karish, phía đông Địa Trung Hải vào ngày 9/5 vừa qua. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng arabnews.com, chỉ 2 hoặc 3 năm trước, các chuyên gia năng lượng hàng đầu đã nghi ngờ tính khả thi về mặt thương mại của việc đầu tư vào thăm dò và khai thác khí tự nhiên ở các vùng biển nước sâu.

Kể từ đó, và gần đây nhất là do cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine, giá khí đốt đã tăng gấp 4 lần. Khi Liên minh châu Âu (EU) tự "cai" các nguồn cung năng lượng của Nga, các nguồn khí đốt tự nhiên thay thế bắt đầu trở thành mục tiêu tìm kiếm.

Khu vực có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ những diễn biến này là Đông Địa Trung Hải, mặc dù sự bất ổn về chính trị và an ninh của khu vực đang biến "cơn sốt vàng thời hiện đại" này trở thành một nguồn cơn gây tranh chấp. Gần đây, chúng ta đã thấy mối đe dọa về một cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và Liban liên quan đến việc phát triển mỏ khí đốt Karish.

Phải mất 5 tuần đi bằng đường biển để đưa một giàn khoan khí đốt mới đến được đích đến ở Đông Địa Trung Hải - một địa điểm mà cả Israel và Liban đều tuyên bố thuộc lãnh hải của họ.

Trước những lời đe dọa từ chính phủ Liban và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn, giàn khoan khí đốt này đã được hộ tống bởi các tàu hải quân của Israel, bao gồm cả tàu ngầm, và một phiên bản hải quân của hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm sắt" cũng đã được triển khai tại khu vực để bảo vệ gian khoan.

Đây chỉ là chương mới nhất trong tranh chấp biên giới trên biển kéo dài giữa hai nước, vốn ngày càng gia tăng kể từ khi phát hiện ra các mỏ khí đốt tự nhiên ở ngoài khơi.

Hai nước chính thức vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ năm 1948, đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán về các tuyên bố chủ quyền của họ đối với vùng biển rộng 860km2 thuộc Biển Địa Trung Hải đang được tiến hành thông qua nước trung gian là Mỹ.

Tuần trước, Liban đã cảnh báo Israel không được có "hành động gây hấn" ở vùng biển tranh chấp, ám chỉ mỏ khí Karish. Tổng thống Liban Michel Aoun tuyên bố rằng bất kỳ hoạt động nào trong khu vực tranh chấp sẽ trở thành hành động gây hấn và khiêu khích, còn Thủ tướng Liban Najib Mikati thể hiện sức mạnh của mình bằng cách ra lệnh cho bộ chỉ huy quân đội phải thông báo cho ông về bất kỳ diễn biến mới nào.

Israel hầu như không chú ý nhiều đến các mối đe dọa đến từ một chính phủ Lebanon đang rất rạn nứt, nhưng lời cảnh báo rõ ràng hơn của thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah rằng tổ chức của ông “có khả năng ngăn chặn kẻ thù bắt đầu khai thác mỏ Karish và mọi hành động của kẻ thù sẽ không thể bảo vệ được giàn khoan này” sẽ được đáp trả bằng tất cả sự thận trọng cần thiết.

Như một nguyên tắc chung, bất chấp quyền lực của Hezbollah trong nền chính trị Liban đang suy yếu, Israel không bao giờ tự mãn khi đối mặt với các mối đe dọa bắt nguồn từ lực lượng này.

Bất kể thông tin tình báo của Israel về ý định của Hezbollah có thể chính xác đến mức nào và mặc dù lãnh đạo của tổ chức này đã sống ẩn dật từ năm 2006, mối quan hệ căng thẳng trong lịch sử giữa hai bên và thực tế rằng Hezbollah, ở một mức độ lớn, là mũi nhọn xung kích trong cuộc đối đầu của Tehran với Tel Aviv khiến Israel cần hết sức thận trọng khi những lời đe dọa như vậy được đưa ra.

[Liban nhất trí nối lại đàm phán phân chia hải giới với Israel]

Nhiều khía cạnh của cuộc tranh chấp biên giới này giữa Israel và Liban là điển hình của bản chất quan hệ giữa hai nước và cản trở khả năng giao tiếp mang tính xây dựng giữa hai bên.

Đầu tiên là tính dễ bị sụp đổ của cả hai hệ thống chính trị, mặc dù trong trường hợp này, chính Liban đang cản trở một giải pháp khả thi; và thứ hai là cán cân quyền lực bất đối xứng giữa hai nước. Hơn nữa, không chỉ tranh chấp biên giới trên biển chưa được giải quyết, mà biên giới trên đất liền hơn 70 năm qua cũng vẫn chưa được thống nhất.

Một cuộc điều tra của tờ Haaretz của Israel đã kết luận rằng mặc dù Liban tuyên bố Israel đã vi phạm chủ quyền hàng hải của mình và xâm phạm tài nguyên biển của mình khi đặt giàn khí đốt Karish ở vị trí hiện tại, nhưng vị trí của giàn khoan này không nằm trong khu vực tranh chấp.

Nếu đúng như vậy, cuộc tranh chấp chẳng khác nào chỉ là "chuyện bé xé ra to." Tuy nhiên, lịch sử quan hệ giữa hai nước cho thấy rằng những sự thật đã có từ lâu chỉ đóng vai trò thứ yếu trong nhận thức của họ về hành vi của nhau.

Việc phát hiện ra trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ trong những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải một mặt mang lại cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy nền kinh tế của các nước trong khu vực này.

Nhưng mặt khác, xét về căng thẳng địa chính trị giữa một số nước, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Cyprus và Syria, ngoài ra còn có Israel, Gaza do Hamas kiểm soát và Liban, mạch mỏ phong phú dưới nước này có nhiều khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng hiện có giữa các quốc gia này, hơn là khuyến khích sự hợp tác và cho phép họ gạt bỏ những cạnh tranh cũ sang một bên.

Người ta ước tính rằng trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi của Liban trị giá khoảng 250 tỷ USD, gấp khoảng 8 lần tổng sản phẩm quốc nội của nước này năm 2020. Tuy nhiên, để chuyển tiềm năng này thành tiền mặt đòi hỏi phải đầu tư đáng kể - khoản đầu tư hoàn toàn chính đáng nếu xét tới những điều kiện hiện nay của thị trường năng lượng - nhưng chính phủ Liban không có đủ nguồn lực cần thiết và các nhà đầu tư nước ngoài có thể coi việc hợp tác với một quốc gia có các vấn đề trong nước và quốc tế vô cùng biến động là quá rủi ro.

Quyết định của Israel về việc mở rộng hoạt động khoan mỏ ở Địa Trung Hải cũng là một động thái gây nhiều lo ngại xét từ góc độ biến đổi khí hậu và thể hiện tác động bất lợi của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đối với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu.

Chỉ một vài tháng trước, chính phủ Israel đã quyết định "đóng băng" các động thái mở rộng hơn nữa các mỏ khí đốt nhằm đáp ứng cam kết về các chính sách "xanh" của mình. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đang làm thay đổi tính toán giữa nhu cầu cấp bách thay thế các nguồn cung cấp năng lượng của Nga và động lực trở nên "xanh" hơn và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Vì vậy, Israel và Ai Cập tuần trước đã ký một thỏa thuận với EU để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Tình hình đặc biệt đáng báo động ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu, mà kết quả được dự đoán là sẽ dẫn đến xung đột với những hậu quả chưa từng thấy. Trong khi đó, Amos Hochstein - cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người đứng ra làm trung gian giữa hai nước láng giềng - đã vội vã đến Beirut trong một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Liban và Israel. Vì lợi ích của cả hai nước, tranh chấp biên giới trên biển này phải được giải quyết mà không được để xảy ra một vòng bạo lực nào khác.

Liban sau đó có thể bước những bước đầu tiên vào thị trường năng lượng. Tuy nhiên, bản chất mong manh của hệ thống chính trị và xã hội của Liban, và vai trò dễ gây tổn hại của Hezbollah, có nghĩa là luôn có khả năng bất đồng như vậy biến thành xung đột quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục