Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa trong 6 giờ qua (19 giờ ngày 30/11 đến 1 giờ ngày 1/12) phổ biến từ 20-50mm, một số nơi cao hơn như hồ Am Chúa 113,0mm, Khánh Bình 78mm, Đập Đầu mối 73mm.
Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn các sông đổ về khu vực hạ lưu sông Cái đã gây ngập lụt cục bộ và sạt lở ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó thành phố Nha Trang là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Anh Vũ Văn Tiến, thôn Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, cho biết từ tối 30/11, mưa lớn và nước lên nhanh nên nhiều gia đình không kịp trở tay. Anh và nhiều hộ dân phải thức đêm để dọn đồ đạc trong nhà tránh nước.
Anh mong muốn các cơ quan chức năng sớm có phương án khơi thông hệ thống kênh mương chảy xuống sông Tắc để nước thoát nhanh hơn.
Bà Nguyễn Thị Lại ở thôn Đồng Nhơn, xã Vĩnh Trung cũng đang tất bật kê các vật dụng trong nhà lên cao hơn vì lo sợ nước tiếp tục dâng.
[Khánh Hòa: Quân đội ứng cứu khách bị mắc kẹt trên xe buýt do mưa lũ]
Bà Lại cho biết những năm trước, ở khu vực này vẫn ngập nhưng nước rút nhanh. Năm nay, nước thoát chậm, thậm chí còn bị ùn ứ.
Ngoài gia đình anh Tiến, bà Lại, khu vực này có hàng trăm hộ dân có nhà bị ngập từ 0,5-1m. Một số hộ dân sử dụng thuyền nhỏ để di chuyển ra khỏi vùng ngập.
Ông Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Nha Trang cho biết mưa lớn khiến các xã thuộc thành phố đều bị ngập, trong đó các tuyến đường giao thông chính có nơi ngập sâu đến 1m.
Tại xã Vĩnh Trung, đêm 30/11 nước ngập sâu 1m trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Các tuyến đường chính của Nha Trang như 23/10, 2/4, Điện Biên Phủ, Nguyễn Tất Thành... đều bị ngập sâu.
Từ ngày 30/11, lực lượng chức năng thành phố đã chốt chặn các tuyến đường để đảm bảo an toàn cho người dân, riêng trên đường Võ Nguyên Giáp, các phương tiện có thể đi lại.
Tại Nha Trang, mưa lũ đã làm 4 người chết, 2 người bị thương, một tàu cá bị sóng đánh dạt vào rạn san hô nên bị phá nước.
Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang đã huy động lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ... sử dụng thuyền nhỏ để di dời người dân ở các vùng bị ngập đến nơi an toàn do canô lớn hiện không thể di chuyển được vào các khu dân cư.
Mặt khác, nhiều nơi nước chảy xiết, do vậy lực lượng cứu trợ vẫn chưa thể tiếp cận, nhất là khu vực các hộ dân sinh sống gần sông Cái.
Đến trưa 1/12, thành phố Nha Trang đã di dời trên 1.000 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu ở các vùng ngập lụt và vùng xung yếu sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ra đường trong thời gian này./.