Kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 - Noru tại các địa phương

Ngày 27/9, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão số 4 - Noru như sơ tán dân, dừng hoạt động nhà máy, cắt tỉa cây cối.
Kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 - Noru tại các địa phương ảnh 1Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra tại khu nuôi trồng thủy sản xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Tường Vi - TTXVN)

Ngày 27/9, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống bão số 4 - Noru như sơ tán dân, dừng hoạt động nhà máy, cắt tỉa cây cối.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 tại Thừa Thiên-Huế 

Trưa 27/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tại xã Quảng Công, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra thực tế tại khu nuôi trồng thủy sản tại thôn 14 và công tác di dời, sơ tán dân cư vùng ven biển đến nơi an toàn.

Báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Công, huyện Quảng Điền Nguyễn Hữu Truyền cho biết, nhằm ứng phó với bão số 4, địa phương đã khẩn trương thực hiện các giải pháp ứng phó, đồng thời tiến hành di dời 45 hộ dân với 99 nhân khẩu tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn.

[Các nhà mạng ứng phó khẩn cấp đảm bảo thông tin trước siêu bão Noru]

Chính quyền địa phương cũng đã cử các lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hộ yếu thế. Trên địa bàn xã có 155ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu tập trung ở thôn 14.

Trong đó, 50ha nuôi trái vụ rất dễ xảy ra thiệt hại khi mưa bão. Trước tình hình đó, xã đã huy động lực lượng, vận động người dân gia cố các cọc, nâng cao màn lưới, quán triệt người dân không được ở lại các chòi canh.

Tại khu neo đậu tàu thuyền xã Phú Hải, huyện Phú Vang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiểm tra thực tế công tác neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão của ngư dân.

Đến nay, khu neo đậu này đã tiếp nhận 120 tàu, thuyền neo trú, cố định các vị trí an toàn; chủ tàu thuyền và ngư dân néo dây buộc tàu và gia cố bảo vệ ngư lưới cụ, bố trí đệm lốp giữa các tàu để tránh va đập.

Lực lượng biên phòng và Ban Quản lý cảng cá tỉnh Thừa Thiên-Huế tuần tra, kiểm soát nhắc nhở ngư dân thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống bão.

Toàn tỉnh có 2.062 phương tiện với 11.350 lao động hoạt động khai thác thủy sản. Đến nay, toàn bộ tàu, thuyền đã vào bờ neo đậu an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh đang triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Các phương án liên quan đến an toàn của người dân được các các ngành, các cấp chính quyền chuẩn bị chu đáo. Hiện các địa phương khẩn trương tổ chức di dời sơ tán hơn 14.000 hộ dân với gần 50.000 khẩu đến các điểm di dời tập trung và xen ghép tại chỗ qua các nhà kiên cố.

Công tác tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn sẽ hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9. Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng thực hiện lệnh “cấm đường”, yêu cầu người dân không được ra đường từ 21 giờ ngày 27/9 đến khi có thông báo mới.

Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan lưu ý tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục theo dõi diễn biến bão số 4 và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống với phương châm "4 tại chỗ"; khẩn trương di dời các hộ dân vùng xung yếu, vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão, đến nơi an toàn; yêu cầu các địa phương nhắc nhở không để ngư dân ở lại tàu cá hay trên lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn.

Quảng Ngãi khuyến cáo người dân không ra đường từ 19 giờ ngày 27/9

Ngày 27/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại khu kinh tế Dung Quất và các xã ven biển của huyện Bình Sơn. 

Kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 - Noru tại các địa phương ảnh 2Người dân Quảng Ngãi nhận cơm từ bếp ăn cho các con nhỏ ăn. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Tại khu kinh tế Dung Quất, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra công tác phòng, chống bão ở Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn), Công ty cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất.

Theo báo cáo, 2 đơn vị này đã xây dựng các kịch bản ứng phó với bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ."

Đặc biệt, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã chủ động, thường xuyên kiểm tra thiết bị, máy móc, hệ thống chiếu sáng, cống thoát nước, hạng mục công trình tại các khu vực nhà máy để có biện pháp ứng phó, khắc phục kịp thời khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho công tác vận hành nhà máy.

Các phương tiện nhập, xuất sản phẩm đã được di chuyển vào vị trí neo đậu an toàn. Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất vừa phê duyệt danh sách 272 nhân sự trực từ sáng 27/9 cho đến khi cơn bão đi qua.

Công ty cổ phần Thép Hòa Phát-Dung Quất quyết định dừng tối đa hoạt động sản xuất, chỉ hoạt động để duy trì tình trạng thiết bị từ 12 giờ ngày 27/9 đến 17 giờ ngày 28/9.

Hai đơn vị cũng yêu cầu nhà thầu, đối tác, đơn vị dịch vụ cung cấp điện, nước, thực phẩm, lực lượng an ninh kiểm tra và có phương án đảm bảo cung cấp trong thời gian có mưa bão. 

Sau khi kiểm tra tại 2 đơn vị trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đến Ký túc xá của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất - nơi có 1.500 người dân đang tránh trú bão.

Ông Đặng Văn Minh thăm hỏi tình hình đời sống, điều kiện ăn ở, sinh hoạt người dân tại đây, đồng thời động viên bà con yên tâm tạm trú, không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. 

Người đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đến thăm hỏi, động viên người dân và kiểm tra kè chống sạt lở tại các xã Bình Hải (huyện Bình Sơn), Nghĩa An (thành phố Quảng Ngãi).

Qua kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó, phòng, chống bão số 4 của các doanh nghiệp, địa phương, người dân trên địa bàn huyện Bình Sơn.

Cụ thể, qua kiểm tra tại Công ty cổ phần thép Hòa Phát-Dung Quất và công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho thấy ngoài công tác phòng, chống bão, đơn vị còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để bố trí nơi tránh bão an toàn cho người dân...

Ông Đặng Văn Minh chỉ đạo các địa phương sẵn sàng công tác khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão.

Lũ cục bộ có thể xảy ra tại nhiều địa phương vùng trũng, thấp, do đó chính quyền phải khẩn trương di dời người dân và đảm bảo lương thực cho bà con.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo bà con không nên quá hoang mang, lo lắng.

Cấp ủy, chính quyền sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn người dân vượt qua bão số 4 an toàn; đồng thời khuyến cáo người dân không nên ra đường khi không có việc cần thiết kể từ 19 giờ ngày 27/9 đến khi bão tan.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, đến 10 giờ ngày 27/9, địa phương đã hoàn thành công tác di dời, sơ tán cho hơn 10 nghìn người dân.

Lực lượng chức năng ưu tiên hỗ trợ, đưa các gia đình có người cao tuổi, trẻ em, người neo đơn, khuyết tật đến nơi an toàn trong thời gian sớm nhất. Công tác di dời người dân tiếp tục được triển khai và đảm bảo hoàn thành trước 16 giờ ngày 27/9.

Kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương ven biển Đà Nẵng

Chiều 27/9, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến kiểm tra thực tế tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà về công tác phòng, chống bão số 4.

Kiểm tra công tác ứng phó bão số 4 - Noru tại các địa phương ảnh 3Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng kiểm tra khu vực chung cư ven biển Nguyễn Tất Thành. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Kiểm tra tại các công trình xây dựng ven biển đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu và Thanh Khê), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhận định, bão số 4 có thể tàn phá mạnh ở quận Liên Chiểu, Thanh Khê do địa hình chắn lại bởi đèo Hải Vân. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương không nên chủ quan.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị lãnh đạo hai quận Liên Chiểu và Thanh Khê cần khẩn trương di dời các hộ dân sống ven biển đường Nguyễn Tất Thành; các công trình đang xây dựng phải được chằng chống, đảm bảo an toàn; đặc biệt không cho lao động ở lại tại các công trình.

Trước tình trạng một số đường ống, xe múc, cẩu của công trình xử lý nước thải tại hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu không được cố định, chằng chống kỹ càng, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Quản lý dự án kịp thời cố định lại các vật dụng, không để xảy ra trường hợp đáng tiếc.

Kiểm tra tại khu vực ven biển quận Sơn Trà, ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu lãnh đạo quận khẩn trương tháo dỡ các bảng, biển quảng cáo; di dời người dân ở khu vực trũng, ven biển, gần sông, suối vào nơi trú bão an toàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, thành phố đã hoàn thành việc kiểm tra hệ thống bơm, bơm dự phòng các hầm giao thông.

Hiện Đà Nẵng có 18 công trình, lắp đặt 27 cẩu tháp phục vụ thi công, 12 công trình gần khu dân cư, đã triển khai phương án phòng, chống bão, tổ chức neo giữ, hạ các hạng mục thi công trên cao để đảm bảo an toàn, tính mạng tài sản của người dân và công nhân.

Thành phố cũng cơ bản hoàn thành công tác cắt tỉa, chằng chống cây xanh tại các tuyến đường chính. Lực lượng xung kích phường đang tiếp tục hỗ trợ người dân cắt tỉa các khu vực khác.

Các quận, huyện đang tiếp tục phối hợp với các lực lượng vũ trang hỗ trợ công tác ứng phó, chằng chống, gia cố nhà cửa, di dời đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai.

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng đã lập kế hoạch dự kiến sẽ tiến hành di dời 80.801 người dân đến nơi tránh trú bão an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục