Kiểm tra việc khắc phục hậu quả lũ lụt ở Quảng Bình

Đoàn công tác Trung ương đã có chuyến thăm làm việc và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả 2 cơn bão số 10, số 11 tại Quảng Bình.
Ngày 27/10, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng đoàn công tác Trung ương đã có chuyến thăm làm việc và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả 2 cơn bão số 10, số 11 tại tỉnh Quảng Bình.

Ngay trong sáng 27/10, ông Lê Hồng Anh cùng đoàn công tác đã kiểm tra diện tích cây cao su tại thị trấn Nông trường Việt Trung và làm việc với huyện Bố Trạch. Làm việc với huyện, ông Lê Hồng Anh lưu ý các cấp chính quyền địa phương, bên cạnh công tác phục hồi số diện tích cao su đã bị gãy đổ, cần tiếp tục tận dụng khai thác đối với các diện tích cao su ít bị thiệt hại còn lại để duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động.

Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích cao su lớn nhất của tỉnh Quảng Bình với trên 11.000ha. Sau bão số 10, cả huyện có trên 8.200ha cao su bị gãy đổ; trong đó, có gần 50% diện tích đã vào thời kỳ khai thác. Riêng thị trấn Nông trường Việt Trung có trên 2.000ha cao su, diện tích đang khai thác gần 1.300ha. Sau bão, những diện tích cao su có thể khắc phục được, huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các hộ dân giúp nhau cắt bỏ những cây bị gãy, dựng lại những cây bị đổ, bón phân để phục hồi vườn cây.

Để giúp những hộ trồng cao su có điều kiện đầu tư vào sản xuất, khắc phục diện tích cao su bị gãy, trồng mới cao su; giúp những hộ ngư dân bị thiệt hại nặng về tàu thuyền sau bão số 10 và 11, huyện Bố Trạch mong muốn Trung ương, tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, khoanh nợ để những hộ trồng cao su cũng như những hộ bị thiệt hại nặng sau bão số có điều kiện để sớm ổn định sản xuất.

Những đề xuất của huyện Bố Trạch đối với những hộ bị thiệt hại sau hai cơn bão số 10 và 11, ông Lê Hồng Anh ghi nhận sẽ báo cáo Bộ Chính trị, đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết cho nhân dân.

Chiều 27/10, ông Lê Hồng Anh cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo với Đoàn về tình hình thiệt hại sau bão số 10 và 11, công tác khắc phục của tỉnh sau hai cơn bão vừa qua.

Sau hai đợt thiên tai xảy ra, tỉnh Quảng Bình có 19 người tử vong, 229 người khác bị thương; trên 470 ngôi nhà bị sập, hàng trăm ngàn ngôi nhà, trường học bị tốc mái; 116 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng nặng; trên 12.000ha cao su bị thiệt hại; gần 7.700ha rừng trồng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh gần 8.700 tỷ đồng.

Phát biểu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ông Lê Hồng Anh ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong phòng chống và khắc phục hậu quả do hai cơn bão số 10 và 11 gây ra trên địa bàn tỉnh. Ông nhấn mạnh sau hai cơn bão, thiệt hại nặng nhất ở Quảng Bình là cây cao su, vì vậy, các bộ, ngành Trung ương sẽ đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ có đề án phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu đối với tỉnh Quảng Bình nói riêng và miền Trung nói chung.

Trước mắt, các bộ, ngành sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thống kê để giãn nợ; đồng thời đưa cây cao su vào diện được vay vốn ưu tiên.

Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cần tiếp tục huy động lực lượng để khắc phục hậu quả thiên tai và giúp người dân ổn định sinh hoạt và phát triển kinh tế. Chính quyền các cấp cần rà soát lại hộ nghèo trong tỉnh, nhất là các hộ gia đình chính sách bị thiệt hại trong bão lũ; từ đó, trích một phần ngân sách để ủng hộ và giúp đỡ các hộ gia đình trên vượt qua khó khăn trước mắt. Ủy ban Nhân dân tỉnh cùng các đơn vị cần thành lập một ban và lập đề án về phát triển kinh tế bền vững, đặc biệt là trong các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lụt...

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng thông báo quyết định của Chính phủ hỗ trợ Quảng Bình 85 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội; 12 tỷ đồng hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi; hHỗ trợ gạo để cứu đói với phương châm không để một người dân nào ở vùng lũ bị thiếu, đói.

Tỉnh Quảng Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ 10.000 tấn gạo cứu đói cho người dân ở những vùng bị thiệt hại; hỗ trợ 480 tỷ đồng, trước mắt để khẩn cấp khôi phục một số công trình quan trọng; hỗ trợ giống, cây trồng vật nuôi, thuốc xử lý môi trường và phòng dịch bệnh vật nuôi, cây trồng.

Tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 2.600 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa các công trình thiết yếu, đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân./.

Nguyễn Đức Thọ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục