Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và vùng Mekong tăng trưởng mạnh

Theo Tân Hoa xã, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2022 đạt 416,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021.
Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và vùng Mekong tăng trưởng mạnh ảnh 1Tiểu thương Thái Lan bày bán trái cây tại chợ đầu mối ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Huy Tiến/TTXVN)

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước dọc sông Mekong đạt tăng trưởng bền vững trong năm 2022 bất chấp đại dịch COVID-19 và đà tăng trưởng chậm của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Tân Hoa xã, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2022 đạt 416,7 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2021.

Số liệu trên được công bố tại lễ khai mạc Tuần Hợp tác Mekong-Lan Thương 2023 (LMC), diễn ra tại Côn Minh (Trung Quốc) ngày 23/3.

[Tăng cường liên kết du lịch giữa các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng]

Năm 2023 là kỷ niệm 7 năm LMC ra đời. Nhân dịp này, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Sok Soken đã đề cao tình hữu nghị, sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước LMC trong 7 năm qua. 

Phát biểu khi tham dự một sự kiện nhân Tuần Hợp tác LMC 2023 tại Phnom Penh, ông Sok Soken cho rằng khuôn khổ hợp tác này đã chứng tỏ sự năng động và bền bỉ trong việc thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi và phục hồi các nền kinh tế LMC.

Theo ông Sok Soken, các dự án mà Campuchia đã nhận được từ Quỹ đặc biệt LMC bao trùm nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, truyền thông, du lịch, thông tin và công nghệ, văn hóa và trao đổi tôn giáo, nông nghiệp, môi trường, nguồn nước và giảm đói nghèo.

Ông khẳng định các dự án này đã đạt những kết quả rất lớn, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia.

Hợp tác Mekong-Lan Thương là nền tảng hợp tác tiểu vùng mô thức mới, do Trung Quốc và 5 nước sông Mekong cùng khởi xướng và xây dựng, nhằm làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia.

Cơ chế này đã trở thành một hình mẫu hợp tác đặc trưng trong khu vực và liên tục tiếp sức cho sự phát triển của khu vực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực; có lợi cho tiến trình nhất thể hóa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhất thể hóa khu vực, đóng góp cho hợp tác Nam-Nam, thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục