Kon Tum phấn đấu có 10.000 ha sâm Ngọc Linh vào năm 2030

Tỉnh Kon Tum đưa ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, với khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh; đến năm 2030 có 25.000 ha dược liệu; trong đó có 10.000 ha sâm Ngọc Linh.
Kon Tum phấn đấu có 10.000 ha sâm Ngọc Linh vào năm 2030 ảnh 1Cây giống sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum vừa ban hành Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2030, toàn tỉnh có 25.000 ha dược liệu; trong đó, có 10.000 ha sâm Ngọc Linh (khoảng 100 triệu cây).

Việc ban hành, triển khai và thực hiện đề án nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về dược liệu; sử dụng bền vững, có hiệu quả nguồn dược liệu tự nhiên hiện có; phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.

Quá trình thực hiện, tỉnh Kon Tum chia đề án làm 2 giai đoạn; trong đó giai đoạn 2018-2020 đã thực hiện hoàn tất. Giai đoạn 2021-2030 đang được thực hiện.

Tỉnh Kon Tum đưa ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, với khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh và 10.000 ha các loại dược liệu khác; mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất một cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có thế mạnh tại địa phương với quy mô trên 1 ha, công suất 1-2 triệu cây/năm; khai thác khoảng 1.000 tấn dược liệu các loại…

Hướng đến năm 2030, tỉnh Kon Tum có 25.000 ha dược liệu; trong đó, có 10.000 ha sâm Ngọc Linh. Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn, ngành dược liệu đóng góp khoảng 15% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh. Đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng bộ, hiện đại vùng trồng dược liệu và thúc đẩy dịch vụ logistics; gắn kết vùng nguyên liệu quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản phẩm dược liệu…

[Sâm Ngọc Linh: Hành trình phát hiện và hồi sinh "quốc bảo Việt Nam"]

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Kon Tum đã có khoảng 1.749 ha sâm Ngọc Linh; trong đó, trồng mới 508 ha, chủ yếu của Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô; diện tích dược liệu khác xấp xỉ 5.120 ha, đạt 109,8% kế hoạch (trong đó trồng mới gần 2.500 ha, đạt 122,8% kế hoạch).

Tu Mơ Rông là địa phương có nhiều diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh Kon Tum, khi đến hết năm 2022, có trên 1.680 ha, chiếm xấp xỉ 96,5% tổng diện tích sâm Ngọc Linh của toàn tỉnh; trong đó, trồng mới trong năm 2022 là 496,40 ha, đạt 101,3% so với kế hoạch giao.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết về quy hoạch, huyện có thể trồng được khoảng 10.000 ha sâm Ngọc Linh và hàng trăm nghìn ha các loại dược liệu khác. Chính vì vậy, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như sâm Ngọc Linh hay các loại dược liệu. Cũng nhờ vào dược liệu, giai đoạn 2020-2022, toàn huyện có 1.947 hộ thoát nghèo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây sâm Ngọc Linh.

Theo kết quả điều tra sơ bộ và công bố của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis); lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus); hồng đẳng sâm...

Trong khi đó, những năm gần đây, việc khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp y dược cổ truyền kết hợp với y dược hiện đại đã được sử dụng rộng rãi và đạt được kết quả trong điều trị người bệnh, góp phần vào việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân. Nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều. Vì vậy, việc ban hành, triển khai và thực hiện đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết trong việc xây dựng Kon Tum trở thành trung tâm dược liệu Quốc gia trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục