Nhiều công trình cao tầng bị lún, cầu đường bị hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác trong đó có nguyên nhân do nền đất yếu. Việc xử lý nền đất yếu, bảo trì công trình đang là mối quan tâm hàng đầu của những người làm kỹ thuật và thi công các công trình giao thông.
Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị quốc tế về “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” (GEOTEC HANOI 2016) diễn ra trong 2 ngày 24-25/11.
Theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON, Trưởng ban tổ chức GEOTEC HANOI 2016, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt là điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.
Do vậy, ông Khoa cho rằng, việc thấu hiểu về điều kiện địa chất, địa hình, địa chất thủy văn để đưa ra những giải pháp tối ưu cho nền móng và các kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng để đảm bảo mục tiêu bền vững cho các loại công trình.
“Hội nghị lần này sẽ là cơ hội chia sẻ quan điểm, kiến thức, kinh nghiệm và những thành tựu công nghệ liên quan đến thiết kế, xây dựng nền móng và cơ sở hạ tầng, trong đó có vấn đề xử lý nền đất yếu tại các dự án đường cao tốc, cầu hầm… để bảo đảm mục tiêu bền vững cho công trình,” ông Khoa nhấn mạnh.
Trưởng ban tổ chức GEOTEC HANOI 2016 nhìn nhận, hiện nay, nhu cầu xây dựng hầm và không gian ngầm tại Việt Nam đang tăng lên và tất cả đều rất cần đến kỹ thuật tiên tiến trong thiết kế, thi công và quan trắc từ tất cả các nước trên thế giới. GEOTEC HANOI 2016 chính là cơ hội tốt cho các công ty, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để giới thiệu các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về thiết kế, sản xuất, thi công và tìm kiếm cơ hội ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh ngành xây dựng Việt Nam đang trong giai đoạn bứt phá để vươn lên tầm cao mới.
Dẫn chứng, FECON đã tham gia thi công xử lý nền đất yếu bằng cố kết chân không cho dự án đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây năm 2011-2012, nhà máy khí điện đạm Cà Mau, Cảng Đình Vũ Hải Phòng, nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Long Phú 1… Giá thành xử lý của FECON là xấp xỉ 21 USD/m2, rẻ hơn so với các nhà thầu Mernard (Pháp), FICO (Hàn Quốc) hoặc nhà thầu Thái Lan (dao động khoảng 30-50 USD/m2). Tuy nhiên, FECON hiện thua các nhà thầu nước ngoài về hồ sơ năng lực, kinh nghiệm làm các dự án.
“Công nghệ bơm hút chân không để hút nước trong đất làm cho đất cố kết rất nhanh chỉ trong thời gian rất ngắn. Tức là thay cho việc đặt các vật liệu thoát nước, chất tải để cưỡng bức cho nước thoát ra phải mất thời gian rất dài từ 6 tháng đến 2 năm, đất mới cố kết được một phần và có thể thi công công trình trên nền đất đó,” ông Khoa lý giải thêm.
Khẳng định bảo trì là công việc ngành giao thông hiện nay đang làm thường xuyên ở các tuyến đường, Giáo sư Nguyễn Bá Kế, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, kỹ thuật bảo trì trong các trường đào tạo chuyên ngành không dạy “khám sức khỏe” công trình hay dạy cách "cứu chữa," "chăm sóc sức khỏe" về bảo trì công trình.
Tại hội nghị, tham luận của các diễn giả hội nghị cũng đưa ra rất nhiều giải pháp mới xử lý nền đất yếu được áp dụng như cọc đất xi măng trộn khô, ướt; cọc cát đầm chặt; sàn giảm tải cho đoạn đường đầu cầu; bơm hút chân không….
Đánh giá cao các bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu trên thế giới về khoa học địa kỹ thuật, nền móng, công trình ngầm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, hội nghị là cơ hội để chia sẻ những kiến thức cập nhật nhất về xây dựng bền vững, là một tiền đề rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ trong ngành địa kỹ thuật nói riêng và xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung giữa Việt Nam và các nước phát triển.
“Những kiến thức và kinh nghiệm này sẽ được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu ứng dụng trong việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững công trình giao thông của Bộ,” Thứ trưởng Trường nói./.
Hội nghị GEOTEC HANOI 2016 có 5 chủ đề chính gồm móng sâu; hầm và công trình ngầm; cải tạo nền đất yếu cho công trình hạ tầng; địa kỹ thuật bờ biển, bờ sông và giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu và quan trắc, kiểm định và bảo trì.
GEOTEC HANOI 2016 là hội nghị lần thứ 3, tiếp nối 2 lần tổ chức thành công trước đó vào năm 2011 và năm 2013. Hội nghị được tổ chức bởi FECON phối hợp cùng Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) và Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản (JGS) dưới sự bảo trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).