Lạm phát tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất của 11 năm

Theo số liệu của NBS ngày 10/11, giá thực phẩm giảm đã kéo lạm phát tiêu dùng tháng 10 vừa qua của nước này xuống mức thấp nhất trong 11 năm, chủ yếu nhờ nguồn cung thịt lợn được cải thiện.
Lạm phát tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất của 11 năm ảnh 1Một cửa hàng thịt lợn tại Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Số liệu chính thức của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 10/11 cho thấy giá thực phẩm giảm đã kéo lạm phát tiêu dùng tháng 10 vừa qua của nước này xuống mức thấp nhất trong 11 năm, chủ yếu nhờ nguồn cung thịt lợn được cải thiện.

Theo dữ liệu của NBS, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã tăng 0,5% so với cùng kỳ một năm trước, thấp hơn dự kiến của giới phân tích. Đây cũng là tháng tăng trưởng "giảm tốc" thứ ba liên tiếp của chỉ số này và cũng là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 10/2009.

Tuy nhiên, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại công ty dịch vụ tài chính Nomura, ông Lu Ting, cho hay sự suy yếu của chỉ số CPI không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giảm phát hay thiểu phát. Điều này chủ yếu do tác động của giá thịt lơn.

Trong tháng 10 vừa qua, giá thịt lợn - loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đã giảm mạnh sau khi tăng vào năm ngoái vì dịch tả lợn châu Phi bùng phát.

NBS cho hay giá thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm 2,8% trong tháng 10 vừa qua lần giảm đầu tiên sau khi tăng 19 tháng liên tiếp trước đó.

[Lạm phát tại Trung Quốc đi lên do giá thực phẩm tăng]

Nếu không tính giá loại thịt trên, chuyên gia Liu Ting cho rằng CPI của Trung Quốc thực tế đã chạm đáy 0,4% vào tháng Bảy vừa qua và vẫn duy trì ở mức 0,7%.

Còn theo ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao của công ty tư vấn tài chính Capital Economics, lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ giảm trở lại trong thời gian tới khi nguồn cung thịt lợn tiếp tục phục hồi. Song áp lực giá từ phía cầu có thể sẽ tăng lên trong những tháng tiếp theo nhờ sự khởi sắc của hoạt động tiêu dùng cùng các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng đang được triển khai.

Cũng trong tháng 10 vừa qua, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn một chút so với dự kiến của giới phân tích.

NBS cho biết chỉ số trên đã bị ảnh hưởng bởi "sự biến động của giá dầu thô quốc tế," do nhu cầu dầu thô chững lại khi nhiều nước trên thế giới tiến hành phong tỏa để ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.

Trong quý 3 vừa qua, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ một năm trước đó và thấp hơn ước tính của thị trường.

Theo dự kiến, nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ tăng khoảng 2% trong cả năm nay - mức thấp nhất trong hơn ba thập niên nhưng vẫn mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục