Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy hòa đàm mới giữa các bên tại Yemen

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen dự kiến sẽ gặp các đại diện của Houthi, lực lượng hiện chiếm giữ thủ đô Sanaa và thành phố Hodeida bên bờ Biển Đỏ.
Liên hợp quốc nỗ lực thúc đẩy hòa đàm mới giữa các bên tại Yemen ảnh 1Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen làm nhiệm vụ tại khu vực al-Durayhimi, Hodeidah ngày 13/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/7, đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen, ông Martin Griffiths đã tới thủ đô Sanaa của Yemen để thúc đẩy vòng đàm phán mới nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại thành phố cảng Hodeida, hiện do lực lượng Houthi kiểm soát.

Quan chức Liên hợp quốc dự kiến sẽ gặp các đại diện của Houthi, lực lượng hiện chiếm giữ thủ đô Sanaa và thành phố Hodeida bên bờ Biển Đỏ.

Vòng đàm phán hòa bình kéo dài hai tuần trước đó do Liên hợp quốc làm trung gian đã không thể đưa ra giải pháp nào nhằm ngăn chặn cuộc tấn công vào thành phố Hodeida do lực lượng chính phủ phát động, với sự hỗ trợ của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các đồng minh trong liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia đứng đầu.

[UAE tạm ngừng chiến dịch tấn công tại thành phố Hodeida của Yemen]

Cuộc tấn công vào thành phố cảng Hodeida đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ dẫn xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại đất nước vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi cuộc chiến kéo dài hơn ba năm qua giữa phiến quân Houthi và lực lượng chính phủ được các nước vùng Vịnh bảo trợ.

Theo đặc phái viên Griffiths, một đề xuất hòa bình nhằm trao cho Liên hợp quốc vai trò then chốt trong việc quản lý cảng Hodeida đang được cân nhắc. Ngày 27/6 vừa qua, ông đã có cuộc gặp với Tổng thống Yemen Abedrabbo Mansour Hadi tại thành phố miền Nam Aden.

Ông Griffiths được cho là đang hối thúc lực lượng Houthi trao lại quyền kiểm soát thành phố Hodeida cho Liên hợp quốc. Một ngày sau đó, ông cũng đã tới Oman để gặp gỡ nhà đàm phán trưởng của Houthi, ông Mohammed Abdulsalam.

Ngày 1/7, UAE tuyên bố đã tạm ngừng chiến dịch tấn công chống lại Houthi tại thành phố cảng Hodeida nhằm tạo cơ hội cho các nỗ lực hòa bình của Liên hợp quốc. Cảng Hodeida là cảng biển quan trọng nhất của Yemen và là nơi trung chuyển hơn 70% lượng hóa nhập khẩu vào nước này. Cả UAE và chính phủ của Tổng thống Hadi vẫn luôn kiên quyết với lập trường yêu cầu lực lượng Houthi phải rút hoàn toàn khỏi các vùng lãnh thổ mà lực lượng này chiếm giữ từ năm 2014.

Theo Hãng thông tấn YNA của Yemen, Tổng thống Hadi đã nhắc lại các tuyên bố trước đó rằng phiến quân Houthi phải giao nộp vũ khí và rút khỏi các thành phố mà lực lượng này chiếm đóng.

Phát biểu tại một cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Yemen và các quan chức quân sự tại thành phố Aden ngày 2/7, ông Hadi nhấn mạnh: "Bất cứ cuộc đàm phán hay tiến trình chính trị nào cũng cần phải tuân thủ các điều khoản của nghị quyết 2216 của Liên hợp quốc, theo đó Houthi phải hạ vũ khí đầu hàng và rút khỏi trụ sở các cơ quan nhà nước."

Phiến quân Houthi đã kiểm soát thành phố Hodeida và cảng biển ở thành phố này từ năm 2014, thời điểm lực lược này đánh đuổi chính quyền của Tổng thống Hadi ra khỏi thủ đô Sanaa đồng thời chiếm giữ các khu vực rộng lớn ở miền Nam Yemen.

Kể từ khi liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp quân sự vào Yemen nhằm khôi phục chính quyền của Tổng thống Hadi hồi tháng 3/2015, hơn 10.000 đã thiệt mạng.

Theo các nguồn tin y tế và quân sự, trận chiến nhằm giành quyền kiểm soát thành phố Hodeida cũng đã cướp đi sinh mạng của 429 người. Liên hợp quốc đánh giá cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay tại Yemen là tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 8 triệu người đang cận kề với nạn đói nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục