Ngày 12/7, Liên hợp quốc công bố một báo cáo cho biết số người đói ăn trên thế giới đã ngừng tăng lên trong năm 2022 sau khi liên tiếp tăng trong 7 năm trước đó.
Tuy nhiên, con số hiện nay vẫn cao hơn so với mức trước khi bùng phát đại dịch COVID-19 và thế giới còn rất xa mục tiêu xóa đói vào năm 2030.
Đó là nội dung báo cáo mang tên “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng”, do 5 cơ quan của Liên hợp quốc công bố, gồm Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo báo cáo, trong năm 2022, có khoảng 691-783 triệu người đối mặt với trình trạng đói ăn, con số trung bình là 735 triệu người.
[LHQ cảnh báo về nguy cơ đói nghèo và di cư trên quy mô chưa từng có]
Tỷ lệ người đối mặt với đói kinh niên tăng từ 7,9% dân số thế giới vào năm 2019 (trước đại dịch COVID-19) lên 9,2% vào năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng theo năm đã chững lại. Con số tổng đã giảm khoảng 3,8 triệu người trong thời gian từ năm 2021-2022.
Các cơ quan trên cảnh báo: “Chưa thể hài lòng được vì tình trạng đói ăn vẫn gia tăng ở châu Phi, Tây Á và vùng Caribe.”
Báo cáo này “cho thấy thế giới vẫn đang phục hồi sau đại dịch và hiện chịu tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, sự kiện ảnh hưởng đến các thị trường năng lượng và lương thực.”
Theo Liên hợp quốc, từ năm 2019, các cuộc khủng hoảng này đã đẩy thêm 122 triệu người rơi vào cảnh đói ăn, đặc biệt là phụ nữ và những người sống tại khu vực nông thôn.
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế sau dịch đã giúp cải thiện tình hình, nhưng “tiến bộ khiêm tốn này lại bị ảnh hưởng của giá lương thực và năng lượng tăng do cuộc xung đột tại Ukraine.”
Báo cáo nêu rõ con số ước tính trên cho thấy tình trạng đói ăn “không tăng trên cấp độ toàn cầu” nhưng vẫn “cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch COVID-19 và còn quá xa mục tiêu về Phát triển bền vững số 2” về một thế giới không đói.
Các cơ quan của Liên hợp quốc cảnh báo nếu thế giới không tăng gấp đôi nỗ lực, thì “sẽ không thể đạt được mục tiêu chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức”./.