Cơ quan kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc (LHQ) vừa lên tiếng cảnh báo Australia về việc chính quyền Lãnh thổ Thủ đô Australia (ACT) thông qua đạo luật cho phép sử dụng cần sa tại ACT, cho rằng luật này sẽ khiến Australia vi phạm công ước quốc tế về kiểm soát ma túy.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc đã gửi thư tới chính phủ liên bang nước này, yêu cầu làm rõ về đạo luật trên với lý do đạo luật vi phạm ít nhất 3 công ước quốc tế mà Australia đã ký kết.
Lá thư được gửi tới phái đoàn của Australia tại Liên hợp quốc ở Vienna (Áo) và được chuyển đến Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Y tế Australia.
Trong lá thư này, ủy ban trên cho rằng đạo luật của chính quyền ACT đã vi phạm Công ước năm 1961 về ma túy được sửa đổi theo nghị định thư năm 1972, Công ước năm 1971 về các chất hướng thần, và Công ước năm 1988 về buôn bán ma túy và thuốc hướng thần.
[Anh: Khung hình phạt nhẹ, ngành công nghiệp cần sa phát triển bùng nổ]
Ủy ban này lưu ý rằng trồng trọt, sản xuất và phân phối cần sa cho các mục đích phi y tế là không phù hợp với các quy định của Công ước 1961, đặc biệt là Điều 4 (c) yêu cầu các quốc gia tham gia Công ước hạn chế sử dụng thuốc gây nghiện cho mục đích y tế và khoa học.
Trước đó một tháng, ACT đã trở thành địa phương đầu tiên trong số các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Australia thông qua đạo luật hợp pháp hóa việc sử dụng, sở hữu và trồng một lượng nhỏ cần sa trong vùng lãnh thổ này, dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/1/2020.
Sau khi chính quyền ACT ban hành đạo luật, chính phủ liên bang Australia đã không loại trừ việc sử dụng các quyền của họ để hủy bỏ đạo luật trên.
Theo Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt, chính phủ luôn cam kết thực hiện các công ước kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc và không ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa cho mục đích giải trí.
Trước Australia, Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc cũng đã lên tiếng chỉ trích chương trình cho phép sử dụng cần sa của Canada cũng như của một số tiểu bang ở Mỹ, trong đó có bang California và cho rằng các chương trình này đã không kiểm soát các hoạt động sản xuất hoặc cung cấp cần sa./.