Lộ diện 'những cơn sóng ngầm' trong liên minh cầm quyền Malaysia

Khi Mặt trận Quốc gia (BN) đối lập giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjung Piai thuộc bang Johor, đây dường như cũng là lúc manh nha những chuyển động lớn trong đảng cầm quyền.
Lộ diện 'những cơn sóng ngầm' trong liên minh cầm quyền Malaysia ảnh 1Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. (Nguồn: bernama)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, khi Mặt trận Quốc gia (BN) đối lập giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjung Piai thuộc bang Johor, đây dường như cũng là lúc manh nha những chuyển động lớn trong Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền.

Trước cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjung Piai, chính trường Malaysia xuất hiện tin đồn rằng phe của ông Ibrahim Anwar (Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) thuộc PH)) nhận định nếu ứng cử viên Karmaine Sardini đến từ đảng Người Malaysia bản địa đoàn kết Bersatu cũng thuộc PH thất bại với khoảng cách từ 7.000 phiếu trở lên, cơ hội gây áp lực buộc Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức có thể sẽ mở ra.

Kết quả bầu cử bổ sung tại Tanjung Piai đã vượt quá kỳ vọng: Sardini thua ứng cử viên Wee Jeck Seng của BN tới hơn 15.000 phiếu.

Cựu Phó Chủ tịch PKR Syed Husin Ali "bắn phát súng" đầu tiên yêu cầu ông Mahathir phải chịu trách nhiệm về kết quả bầu cử bổ sung ở Tanjung Piai.

Theo một trong những chính trị gia sáng lập PKR, cách tốt nhất hiện nay là ông Mahathir rút lui trong danh dự và mở đường cho ông Anwar kế nhiệm càng sớm càng tốt để ông Anwar có thể tiến hành cải cách và chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tổng tuyển cử lần thứ 15.

Tiếp đó, trên các trang mạng xã hội ở Malaysia lan truyền bản danh sách chưa được chứng thực cho thấy có 101 Hạ nghị sỹ ủng hộ ông Anwar làm Thủ tướng và hối thúc ông Mahathir từ chức.

Đại bộ phận những nhân vật xuất hiện trong danh sách này đến từ các đảng thành viên PH, chủ yếu là PKR, đảng Hành động Dân chủ (DAP) và đảng Niềm tin Dân tộc (Amanah).

Ngoài ra còn 4 nghị sỹ thuộc Tổ chức Dân tộc Malaysia Thống nhất (UMNO, đảng lãnh đạo BN).

Theo bản danh sách này, có nghị sỹ thuộc Bersatu đã “phản bội” ông Mahathir, đó là nghị sỹ khu vực Simpang Renggam kiêm Bộ trưởng Giáo dục Maszlee Malik và nghị sỹ khu vực Kubang Pasu kiêm Thứ trưởng Tài chính Amiruddin bin Hamzah.

Do Maszlee là thân tín của ông Mahathir, cho nên, sự xuất hiện của Maszlee khiến người ta không khỏi nghi ngờ về tính chân thực của bản danh sách.

Trên thực tế, có thể đã xuất hiện áp lực nào đó sau thất bại của ứng cử viên Bersatu tại cuộc bầu cử bổ sung ở Tanjung Piai.

Tại cuộc họp Hội đồng Điều hành Tối cao Bersatu ngày 20/11, các nhà lãnh đạo Bersatu đã kiến nghị yêu cầu chính phủ PH cải tổ nội các.

Phát biểu với báo giới sau đó, ông Mahathir cho biết vấn đề nêu trên sẽ được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp Hội đồng các Chủ tịch PH vào ngày 23/11 nhằm trưng cầu ý kiến của các đảng thành viên và xem xét có cần phải cải tổ nội các hay không.

Tuy nhiên, ông Mahathir làm người ta khó nghĩ khi nói rằng cải tổ nội các không phải là phương án giúp vấn đề được lập tức giải quyết.

Bởi bản thân việc cải tổ nội các không thể giúp chính phủ lấy lại lòng dân, nếu thay người mới, họ cũng cần thời gian, cho nên, cần phải thận trọng, trước tiên phải biết các bộ trưởng thể hiện như thế nào rồi mới quyết định xem có phải thay thế hay không.

Nói cách khác, vấn đề cải tổ nội các có thể đưa ra thảo luận, nhưng sẽ không xảy ra trong ngày một ngày hai.

Vậy khi nào Malaysia sẽ cải tổ chính phủ?

Ông Mahathir không đưa ra khoảng thời gian cụ thể, chỉ nói: “Sang năm, Malaysia tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC. Tôi không muốn có quá nhiều thay đổi vì cần phải chuẩn bị chu toàn. Một hội nghị lớn như vậy, tham dự là các lãnh đạo hàng loạt nước lớn trên thế giới, cần phải thận trọng."

Lộ diện 'những cơn sóng ngầm' trong liên minh cầm quyền Malaysia ảnh 2 Chủ tịch đảng Công lý Nhân dân (PKR) thuộc PH. (Nguồn: Straitstimes)

Về yêu cầu từ chức ngay lập tức và chuyển giao quyền lực cho ông Anwar, ông Mahathir tuyên bố Hội đồng các Chủ tịch PH có thể sa thải mình.

Tuy nhiên, một sự quá độ như vậy có thể dẫn tới tình trạng đứt quãng giữa dòng.

Chuyện xảy ra với bản thân ông không quan trọng, quan trọng nhất là ảnh hưởng tới đất nước và chính phủ.

Dư luận cho rằng điều đó cũng có nghĩa “chỗ trống” trong nội các để ông Anwar ngồi vào “tập sự” vẫn chưa xuất hiện, có thể chí ít là trước APEC 2020.

Trong một diễn biến liên quan, tối 18/11, nghĩa là 2 hôm sau thất bại của Bersatu ở Tanjung Piai, Bộ trưởng các vấn đề kinh tế Azmin Ali - người đang giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực PKR, nhưng được nhìn nhận là thuộc phe ông Mahathir hơn là phe ông Anwar - đã có cuộc gặp với nhiều Hạ nghị sỹ tại nhà riêng.

Có thông tin nói rằng, tham dự cuộc gặp này có 22 nghị sỹ UMNO.

[Chính phủ Malaysia đối mặt nhiều thách thức sau hơn 1 năm cầm quyền]

Ông Mahathir cho biết bản thân ông chưa nói chuyện với ông Azmin và không biết tại sao ông Azmin lại gặp các nghị sỹ. Nhưng đây là việc liên quan tới PKR thì PKR cần tìm hiểu.

Vấn đề ở chỗ cho dù được mời họp Hội nghị Bộ Chính trị PKR vào ngày 20/11 để giải thích, nhưng ông Azmin vẫn vắng mặt.

Theo Trưởng Ban Thông tin PKR Fahmi Fadzil, đảng tiếp tục để ông Azmin có cơ hội giải thích lý do vắng mặt tại cuộc họp cũng như việc gặp gỡ nghị sỹ UMNO tại nhà riêng.

Vậy đằng sau các hành động của ông Azmin là gì?

Nhiều giả thiết đã đặt ra, nhưng theo Bí thư Thanh niên PKR Ahmad Syuki Che Razab, ông Azmin muốn cho thấy nhiều nghị sỹ UMNO đang nằm dưới sự kiểm soát nhằm phô trương thế lực cùng hy vọng nhận được sự ủng hộ của ông Mahathir để trở thành Thủ tướng tương lai.

Tuy nhiên, với cách nhìn nhận khác, Phó Tổng biên tập tờ Tinh Châu nhật báo Trịnh Đinh Hiền cho rằng ông Azmin chỉ có một mục đích khi gặp gỡ các nghị sỹ đối lập, đó là bảo vệ ông Mahathir.

Ông Mahathir còn tại vị thì ông Azmin còn vẻ vang. Nếu ông Mahathir phải từ chức, câu chuyện sẽ là “người đi thì trà nguội."

Do đó, ông Azmin đã cố tình tổ chức gặp gỡ với các nghị sỹ đối lập tại nhà riêng và để truyền thông đưa tin rầm rộ là nhằm bắn đi thông điệp cho phe ông Anwar: Đừng có manh động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục