Lợi thế mới của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân

Loại tàu ngầm tiếp theo mà Triều Tiên được cho là đang chế tạo có thể là thứ vũ khí củng cố hơn nữa vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và khiến cho các cuộc đàm phán hạt nhân trở nên khó khăn hơn.
Lợi thế mới của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân ảnh 1Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ một địa điểm bí mật ở Triều Tiên ngày 31/7/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bloomberg.com, trong một bài viết, trang mạng bloomberg cho rằng loại tàu ngầm tiếp theo mà Triều Tiên được cho là đang chế tạo có thể là thứ vũ khí củng cố hơn nữa vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và khiến cho các cuộc đàm phán hạt nhân trở nên khó khăn hơn.

Nội dung như sau:

Ông Kim Jong-un đã dành phần lớn thời gian của mình trên cương vị nhà lãnh đạo Triều Tiên để phát triển những loại vũ khí hạt nhân hiện đại hơn và có quy mô lớn hơn.

Năm 2020 này, ông có thể nỗ lực tìm cách khiến những loại vũ khí này khó bị phát hiện hơn bằng cách đưa chúng xuống dưới mặt nước biển.

Những thông tin gần đây của Triều Tiên đề cập một loại tàu ngầm mới và việc Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa đạn đạo được thiết kế để được phóng từ tàu ngầm đã làm dấy lên đồn đoán rằng tàu ngầm có thể là loại “vũ khí chiến lược mới” mà ông Kim hứa hẹn sẽ công bố vào năm 2020.

[Ẩn số lớn trong tham vọng vũ khí hạt nhân mới của Triều Tiên]

Mặc dù loại tàu chiến này có thể gây ra tiếng ồn và khó có thể ra khơi xa mà không được theo dõi song như vậy cũng đã đủ đáp ứng những gì mà ông Kim mong muốn.

Ngay cả khi một tàu ngầm được ẩn giấu trên bán đảo Triều Tiên, vượt qua vòng kiểm soát của hệ thống vệ tinh do thám, cũng sẽ gây ra mối đe dọa nguy hiểm mới mà giới hoạch định quân sự Mỹ cần cân nhắc khi xảy ra bất kỳ xung đột nào.

Và đối với ông Kim, bất kỳ điều gì khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hình dung và đoán định được một cuộc chiến thực sự đều đưa ông tiến gần hơn đến với mục tiêu có từ thời cha ông: Được quốc tế thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Ông Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ đồng thời là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Kim Jong-un and the Bomb: Survival and Deterrence in North Korea” (Tạm dịch là “Kim Jong-un và Bom: Tồn tại và Răn đe ở Triều Tiên), nhận định: “Về vấn đề lên kế hoạch chiến tranh, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cần coi trọng mối đe dọa hạt nhân dưới biển để lập kế hoạch cho những cuộc chiến bất ngờ chống tàu ngầm.”

Ông Kim đã khiến cả thế giới phải đồn đoán kể từ khi đưa ra cam kết nói trên trong bài phát biểu cuối năm 2019 rằng Triều Tiên sẽ xây dựng một khả năng ngăn chặn hạt nhân mạnh mẽ hơn.

Mặc dù một “vũ khí chiến lược” có thể bao gồm mọi thứ từ những tên lửa đạn đạo liên lục địa hiện đại đến những loại bom hạt nhân có sức công phá mạnh hơn, chế độ ẩn dật này đã công khai nói rằng họ đang thực hiện “những nỗ lực to lớn” để phát triển hạm đội tàu ngầm mang tên lửa của mình.

Việc hạ thủy một tàu ngầm có khả năng mang vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra minh chứng rõ nét nhất về nỗ lực của Kim nhằm phát triển kho vũ khí của mình mặc dù Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6/2018 khẳng định rằng Triều Tiên không còn gây ra mối đe dọa hạt nhân nào.

Ngay cả trước khi nhất trí với Trump về việc sẽ tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Kim đã cho thấy khả năng của mình khi chế tạo được các loại bom khinh khí và những loại tên lửa có thể mang theo những loại bom này đến bất kỳ thành phố nào của Mỹ.

Hàng loạt vụ thử tên lửa tầm ngắn hơn hồi năm 2019 cho thấy chế độ này đã đạt được tiến triển trong việc phát triển các loại tên lửa sử dụng nhiên liệu cứng vốn dễ dàng hơn trong việc cất giấu, có thể triển khai nhanh hơn và khó bị đánh chặn hơn.

Trong số đó là loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm vốn đã có thể bay xa được 910km trong vụ thử hôm 2/10/2019.

Điều đó có thể đặt toàn bộ Hàn Quốc và Nhật Bản nơi trú ngụ của khoảng 170 triệu dân bao gồm khoảng 80.000 binh sỹ Mỹ vào tầm ngắm của một tàu ngầm được che giấu ngoài bờ biển phía Đông của Triều Tiên.

Ở đó, chiếc tàu ngầm này có thể ẩn giấu cùng với các tàu khác trong đội tàu gồm 60 đến 80 chiếc của Triều Tiên, khiến các đồng minh của Mỹ không thể biết chắc chắn cái nào được trang bị vũ khí hạt nhân.

Sau vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm gần đây nhất của Triều Tiên, Phó Đô đốc Hải quân Jon Hill bày tỏ tin tưởng vào khả năng của các đồng minh trong việc đối phó với tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên đã khiêu khích về việc xây dựng một tàu ngầm có thể mang theo một loại tên lửa mới khi hồi tháng 7/2019 công khai những hình ảnh về nhà lãnh đạo Kim giám sát một con tàu cỡ lớn đang được chế tạo.

Theo Joseph Dempsey, chuyên gia nghiên cứu về quân sự và quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, những hình ảnh này dường như cho thấy một phiên bản khác của thế hệ tàu ngầm điện-diesel lớp Romeo vốn chiếm 1/3 trong hạm đội tàu ngầm của Hải quân Nhân dân Triều Tiên.

Theo một nghiên cứu của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, Triều Tiên đã mua 7 tàu ngầm lớp Romeo từ Trung Quốc trong những năm giữa thập niên 70 của thế kỷ trước và bắt đầu tân trang ở trong nước cho đến năm 1995.

Chuyên gia Dempsey cho rằng phiên bản mới hơn này dường như có bộ phận “buồm” được mở rộng để có thể chứa được khoảng 3 ống phóng tên lửa.

Có ý kiến nói rằng Triều Tiên đã phát triển một loại tàu ngầm khác hiện đại hơn mà giới chuyên gia vũ khí đặt cho mật danh là Sinpo C. Cho đến thời điểm này, giới chuyên gia chưa thể xác nhận được sự tồn tại của tàu này dựa trên những nguồn tài liệu công khai từ báo chí nhà nước hoặc các hình ảnh vệ tinh.

Mô hình tàu ngầm lớp Romeo được cải tiến cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng trong việc khai thác và sử dụng nguồn nguyên liệu giới hạn mà nước này có thể có được khi phải đối mặt với những đòn trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt để bù đắp lại những lợi thế quân sự của các đối thủ giàu có hơn nhiều ở Mỹ và Hàn Quốc.

Hạm đội tàu ngầm của Triều Tiên, vốn nằm trong số những hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, lâu này là một phần quan trọng trong chiến lược đó.

Theo sách trắng của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, phần lớn tàu ngầm của Triều Tiên là những loại tàu cỡ nhỏ hơn “được thiết kế để làm gián đoạn các tuyến đường biển, rải mìn, tấn công các tàu nổi trên mặt nước và hỗ trợ hoạt động xâm nhập của các đơn vị đặc nhiệm.”

Hồi năm 2010, Seoul đã cáo buộc một tàu ngầm kiểu như vậy của Triều Tiên đã phóng ngư lôi làm chìm một tàu hộ tống Cheonan, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, một cáo buộc mà Bình Nhưỡng bác bỏ.

Nhiệm vụ như vậy rất khác biệt so với tàu ngầm tấn công lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân có quy mô lớn hơn nhiều của Hải quân Mỹ. Loại tàu này của Mỹ có thể nằm im lặng dưới mặt nước ngoài khơi của kẻ thù cho đến khi phóng tên lửa từ hàng chục ống phóng của nó.

Cho đến nay, Hải quân Triều Tiên không nhất thiết phải liều lĩnh và mạo hiểm như kiểu lén lút tấn công hoặc mang theo nhiều vũ khí.

Ông Panda tiếp tục nhận định: “Viễn cảnh một tàu ngầm Triều Tiên đi ra khỏi vùng biển của nước này để tiến vào Thái Bình Dương mang theo một quả tên lửa đạn đạo hạt nhân có thể là điều hình dung được, song khó xảy ra trên thực tế.”

Giá trị thực mà một tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân đem lại có thể là việc đem lại một lợi thế và củng cố vị thế của Kim trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Mỗi một lợi thế nghiêng về một loại vũ khí hạt nhân tin cậy hơn làm gia tăng phí tổn đối với bất kỳ hành động quân sự nào do Mỹ đứng đầu và giảm thiểu khả năng của Washington trong việc xóa bỏ, chứ không phải giảm thiểu hoặc ngăn chặn, kho vũ khí hạt nhân của Kim.

Chuyên gia Dempsey tiếp tục nhận định Triều Tiên coi tàu ngầm là loại vũ khí bổ sung dưới nước cho các loại phương tiện chuyên chở tên lửa trên mặt đất vốn đã tỏ ra ngày càng hiệu quả trong những năm gần đây.

Theo giải thích của Dempsey, Bình Nhưỡng chỉ cần một loại phương tiện khác để làm phân tán sự chú ý giới chỉ huy quân sự của Mỹ và Hàn Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục