Cũng như nhiều địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân nhiều xã trên địa bàn tỉnh Long An.
Ước tính có hơn 8.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng chục nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới, hàng nghìn ha lúa chết khô…
Giữa cái nắng chói chang trong mùa hạn hán, cánh đồng trồng bí hơn 3 công đất (3.000 m2) của anh Nguyễn Văng Bằng, xã Tân Phước Tây, Tân Trụ bị chết khô hoàn toàn. Đất dưới đồng nứt nẻ, những cây bí trên giàn đã chuyển sang màu đen xám, một vài cây kịp ra trái cũng bị khô cứng lại.
Nguyên nhân là do hạn hán kéo dài không có nước tới, ngoài sông thì nước nhiễm mặn. Toàn bộ số vốn gần 100 triệu bỏ ra trồng bí bị mất trắng.
Anh Bằng cho biết chưa năm nào hạn mặn đến sớm như năm nay, từ trước Tết đã thiếu nước tưới, anh đã cố gắng chắt chiu nước tưới để cứu vãn ruộng bí nhưng rồi cũng bó tay.
Không nỡ nhìn công sức của mình bỏ ra bị khô cháy, một số hộ xung quanh nhà anh Bằng tìm mọi cách cứu hoa màu, thậm chí là bỏ số tiền lớn và nhiều công sức để mua nước tưới hoa màu. Nhưng nỗ lực đó chẳng được đền đáp, những giọt nước hiếm hoi rải trên cánh đồng hạn hán cũng như muối bỏ bể, không thể cứu vãn tình hình.
Cũng tại xã Tân Phước Tây, những cánh đồng trồng lúa khô cháy đã chuyển sang màu vàng đậm. Có nơi lúa chưa kịp trổ bông đã khô cháy, nơi trổ bông thì chỉ là những bông lép không hạt.
[Đưa cây màu xuống chân ruộng - giải pháp thích ứng mùa khô hạn]
Nắng gay gắt, ruộng nứt nẻ, lúa khô, chỉ cần một mồi lửa nhỏ có thể cháy cả cánh đồng. Người nông dân chỉ biết xót xa khi nhìn ra cánh đồng chết khô, bao nhiêu vốn liếng bỏ ra coi như bốc cháy theo cái nắng trong mùa hạn hán.
“Cánh đồng lúa nhà nào cũng bị hạn. Nắng hạn quá, đồng khô mà mặn thì xâm nhập bơm nước vô không được. Lúa cháy hết, chết hết. Hơn 2 ha ruộng của gia đình tôi không thu được gì” - chị Đặng Thị Thanh chia sẻ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, hiện tại xâm nhập mặn diễn ra rất gay gắt, trên các sông chính, độ mặn đã cao hơn nhiều so với năm 2016. Hạn mặn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân tại các huyện vùng hạ của tỉnh.
Ước tính, gần 4.200ha lúa, 1.220ha thanh long, hơn 6.520ha chanh... sẽ bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại do hạn mặn trong toàn tỉnh, tuy nhiên ghi nhận thực tế tại các huyện Tân Trụ, Thủ Thừa… đã có hàng nghìn ha lúa, rau màu bị khô cháy, thiệt hại toàn bộ.
Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, xâm nhập mặn còn gây khó khăn về sinh hoạt cho người dân Long An. Toàn tỉnh có hơn 8.000 hộ dân ở các xã như Tân Tập, Đông Thạnh, Phước Vĩnh Tây, Phước Vĩnh Đông của huyện Cần Giuộc, Tân Phước Tây của huyện Tân Trụ…bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Từ trước Tết Nguyên đán, những dòng sông, kênh chính trên địa bàn bị nhiễm mặn, ngành chức năng đã cho đóng các cống dẫn nước vào kênh. Những con kênh không có nguồn dẫn nước dần dần khô hạn, nứt nẻ, chỉ còn lại vài vũng nước đọng.
Còn trong các hộ gia đình, các ao, hồ, bể, lu chứa nước cũng dần trơ đáy theo cái nắng hạn gay gắt. Những giọt nước tích trữ dùng cho sinh hoạt cuối cùng đã cạn kiệt từ cả tháng nay, người dân các xã vùng hạ của tỉnh Long An sống trong cảnh lao đao.
Họ phải mua nước ngọt từ các xà lan, xe bồn với mức giá rất cao, có lúc lên đến 200 nghìn đồng/m3 để sinh hoạt. Việc chuyên chở nước về nhà cũng gặp nhiều trở ngại, mất nhiều thời gian do đường sá khó khăn, cuộc sống của người dân bị xáo trộn rất nhiều.
Ông Trần Minh Chính, trú tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc cho biết: “Cả nhà gồm 5 người, mỗi tháng dùng tiết kiệm cũng hết cả chục khối nước. Vào mùa khô, nước ngọt cạn kiệt, phải mua nước với giá cao nên rất tốn kém, lại phải mất nhiều công sức để đưa nước từ xe về nhà. Nước mua về dùng để tắm giặt, rửa chén xong không dám bỏ, mà phải tận dụng để tưới cây, cho gà vịt uống.”
Chỉ tay vào những cái chậu, lu khô đáy ở sau nhà, bà Lữ Thị Bạch Loan, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ cho biết: "Mấy cái chậu này dùng để trữ nước mưa, nhưng năm trước mưa ít, hứng không đầy, giờ cũng đã hết. Trước Tết chị đã phải mua nước đóng bình để uống, nước cho các sinh hoạt khác cũng rất khó khăn.”
Thời gian gần đây, nhờ có sự hỗ trợ của lực lượng quân sự cùng chính quyền địa phương huy động các xe bồn chở nước về cấp miễn phí, nên nỗi lo thiếu nước của người dân được giải quyết phần nào.
Mỗi ngày, các xe bồn luân phiên chở nước đến từng địa bàn, người dân sử dụng tất cả các vật dụng như xô, can… chở nước về tích trữ trong các lu, chậu để dùng dần. Nhưng ai cũng lo lắng hạn hán kéo dài, tình trạng thiếu nước vẫn tiếp diễn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An, dự báo từ nay cho đến hết tháng 4/2020, tình trạng hán hán, xâm nhập mặn vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Việc thiếu nước sinh hoạt, các lực lượng và chính quyền địa phương đã thực hiện biện pháp hỗ trợ khẩn cấp thông qua việc dùng xe bồn chở nước cấp miễn phí cho dân. Tuy nhiên, việc thiếu nước cho sản xuất hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước.
Tỉnh đã tổ chức xây dựng một số cống, đập ngăn mặn; lắp đặt các trạm bơm dã chiến để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại. Hiện tại, lực lượng chức năng vẫn theo dõi chất lượng nguồn nước hàng ngày, khi có dấu hiệu độ mặn giảm sẽ cho mở cống, bơm để lấy nước phục vụ sản xuất.
Về lâu dài, Long An tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước cho vùng hạ, nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất của xâm nhập mặn, đồng thời tỉnh kiến nghị các bộ, ngành bố trí vốn xây dựng các công trình phục vụ trữ nước và hệ thống kênh rạch trong vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn./.