Không chỉ là tuyến đường hàng hải quan trọng trên Biển Đông của Việt Nam, vùng biển xung quanh huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có lưu lượng tàu thuyền qua lại rất lớn. Đây còn là vùng ngư trường đánh bắt truyền thống của hàng vạn ngư dân cả nước.
Để hỗ trợ cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển và ứng cứu kịp thời tàu thuyền nước ngoài gặp nạn do thiên tai bão tố gây ra, lực lượng cứu hộ cứu nạn tại vùng biển Trường Sa đã được thành lập trên các đảo. Sự có mặt của lực lượng này đã trở thành chỗ dựa của người đi biển, nhất là của ngư dân trong mỗi mùa biển động.
Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật dài hơn hai giờ đồng hồ tại Bệnh xá thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, anh Trần Ngọc Quang, 32 tuổi, quê ở Nghệ An xúc động kể lại: Sau khi tàu cá của anh rời đất liền hơn hai tuần và đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa truyền thống của mình thì anh lên cơn đau bụng dữ dội. Anh em ngư dân trên tàu đã dùng mọi biện pháp sơ cứu nhằm làm giảm cơn đau cho anh nhưng bất thành. Cơn đau càng lúc càng dữ dội và sức khỏe của anh Quang càng lúc càng yếu dần.
Trước tình huống bất ngờ và nguy hiểm này, thuyền trưởng của anh Quang đã phát tín hiệu cấp cứu. Nhận được tín hiệu cấp cứu từ tàu cá, lực lượng trực canh của Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, nhanh chóng tiếp cận tàu cá và đưa bệnh nhân Trần Ngọc Quang vào Bệnh xá thị trấn Trường Sa để cấp cứu.
Bác sỹ Thái Ngọc Bình, Bệnh xá trưởng Bệnh xá thị trấn Trường Sa cho biết, sau khi chẩn đoán, các y bác sỹ của Bệnh xá phát hiện anh Quang bị mắc bệnh thoát vị bẹn. Ca phẫu thuật hơn hai giờ đồng hồ được các y, bác sỹ Bệnh xá trên đảo tiến hành khẩn trương, chính xác, nhờ vậy anh Quang đã qua được cơn nguy kịch.
Hiện tại sức khỏe của anh Quang đã ổn định và đang được tiếp tục chăm sóc tại Trạm y tế thị trấn Trường Sa.
Là người tham gia nhiều đợt cứu nạn cứu hộ, Thượng úy Nguyễn Đức Thuận, Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa chia sẻ về công việc của mình: Để kịp thời ứng cứu ngư dân khi gặp rủi ro hoạn nạn, cán bộ chiến sỹ tại Trạm tổ chức trực ca cả ngày lẫn đêm với 3 kíp trực. Trạm tiếp nhận tất cả các thông tin và yêu cầu trợ giúp trên biển để từ đó đưa ra phương án hỗ trợ kịp thời cho ngư dân và những người gặp nạn trên biển.
Với mỗi cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió này, việc khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết, khí hậu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình cũng như giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả đối với ngư dân luôn luôn là những nhiệm vụ thường xuyên, vì có thể hơn ai hết, những người lính ở nơi đầu sóng ngọn gió này mới thấy hết được ý nghĩa và sức mạnh của tình đoàn kết quân dân.
Đến thăm và chúc mừng ngư dân Trần Ngọc Quang qua cơn nguy kịch, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, Trung tá Đỗ Thế Tuyến cho hay hiện nay trên đảo luôn có lực lượng thường trực để kịp thời giúp đỡ ngư dân gặp rủi ro hoạn nạn khi làm ăn trên biển.
Mỗi năm có hàng trăm lượt trường hợp ngư dân gặp nạn, gặp rủi ro trên biển cần được hỗ trợ kịp thời. Mỗi khi nhận được tín hiệu cấp cứu của ngư dân, các Trạm cứu hộ cứu nạn Trường Sa tổ chức ứng cứu và nhanh chóng đưa vào đảo để chữa trị.
Ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc, cùng với việc tăng gia sản xuất, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, các lực lượng cứu nạn cứu hộ Trường Sa đã ứng cứu 535 lượt người gặp nạn trên biển, cấp cứu thành công cho hàng chục ngư dân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong các trận bão hồi cuối năm 2015 vừa qua, cán bộ chiến sỹ đã hướng dẫn cho hàng nghìn lượt tàu thuyền của ngư dân vào khu vực đảo Trường Sa để neo đậu, trú ẩn an toàn. Cũng trong năm 2015, cán bộ và chiến sỹ làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa đã tạo điều kiện cho trên 600 lượt tàu cá của ngư dân gặp khó khăn khi làm ăn trên biển, hỗ trợ nước ngọt cũng như lương thực thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu khác cho 450 lượt tàu cá khi hành nghề trên ngư trường truyền thống của mình.
Sự có mặt thường xuyên của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển nói chung và lực lượng cứu nạn cứu hộ trên biển nói riêng luôn là niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của ngư dân khi làm ăn trên biển.
Hơn nữa, sự có mặt thường xuyên của lực lượng này còn góp phần đáng kể trong việc bảo đảm sự an toàn của tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông của Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến chia sẻ.
Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ và giúp đỡ ngư dân làm ăn trên biển, trong gần 10 năm qua, công tác này trên biển Trường Sa đã đi theo hướng chuyên nghiệp. Những thành quả đạt được trong năm 2015, nhất là danh hiệu đảo luôn luôn giữ vững lá cờ đầu trong phong trào thi đua toàn Quân chủng Hải Quân nhân dân Việt Nam đã nói lên được điều này.
Là những chiến sỹ nơi tuyến đầu Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng quân và dân trên đảo Trường Sa nói chung, lực lượng cứu nạn cứu hộ nói riêng sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết quân dân, phát huy truyền thống đảo Trường Sa Anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa Đỗ Thế Tuyến khẳng định./.