Mô hình "Một Vành đai, Một Tiếng nói" của Trung Quốc ở Italy

Trang mạng MERICS của Đức tóm tắt bài phân tích trong một bài viết có tiêu đề: "One Belt, One Voice: Chinese media in Italy" (dịch "Một Vành đai, Một Tiếng nói: Truyền thông của Trung Quốc ở Italy").
Mô hình "Một Vành đai, Một Tiếng nói" của Trung Quốc ở Italy ảnh 1Cờ Trung Quốc và Italy. (Nguồn: vectorstock.com)

Theo phân tích của các nhà nghiên cứu Francesca Ghiretti và Lorenzo Mariani trên trang mạng của Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Italy (IAI), những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm cải thiện hình ảnh của Bắc Kinh ở nước ngoài đã dẫn đến việc quốc tế hóa các phương tiện truyền thông Trung Quốc cùng với những hình thức hợp tác với các phương tiện truyền thông nước ngoài; Italy không phải là ngoại lệ.

Trang mạng Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) của Đức đã tóm tắt bài phân tích của hai tác giả nói trên trong một bài viết có tiêu đề: "One Belt, One Voice: Chinese media in Italy" (Tạm dịch "Một Vành đai, Một Tiếng nói: Truyền thông của Trung Quốc ở Italy").

Nội dung như sau:

Sự hợp tác truyền thông giữa Trung Quốc và Italy đã trải qua một quá trình lâu dài và với nhiều hình thức đa dạng. Hai cơ quan truyền thông Italy là Công ty phát thanh và truyền hình quốc gia Rai và Hãng thông tấn quốc gia Italy ANSA (Agenzia Nazionale Stampa Associata) đã lần lượt ký thỏa thuận với Tập đoàn truyền thông Trung Quốc (China Media Group) và Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã khi Italy tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc hồi năm 2019.

[Trung Quốc và Italy thúc đẩy xây dựng dự án "Vành đai, Con đường"]

Trong tuyên bố chung của mình, Rai đã đưa ra kế hoạch hợp tác sản xuất trong tương lai song cho đến nay, vẫn chưa có gì thành hiện thực. Đối với ANSA, thỏa thuận trên đã đảm bảo Tân Hoa xã là nền tảng cung cấp những tin tức dịch. Kể từ đó, ANSA đã tăng cường đưa tin về Trung Quốc, phần lớn trong số tin tức đó là từ Tân Hoa xã.

ANSA đăng những tin tức chưa được biên tập

Đáng lo ngại nhất là việc ANSA đăng bản dịch tin tức của Tân Hoa xã mà không biên tập. Nói cách khác, ANSA đóng vai trò là nền tảng để tài liệu tuyên truyền của Tân Hoa xã đến với công chúng Italy. Gần đây nhất, ANSA đã đăng tin Tân Hoa xã chúc mừng Trung Quốc đưa ra cam kết đăng cai một Olympic không phát thải.

Với những ngôn từ ca ngợi như “tuyệt vời,” “tự hào” và “lòng biết ơn,” bài báo cũng nêu bật những khía cạnh tích cực của việc Trung Quốc đăng cai tổ chức các trận đấu và bỏ qua những tranh cãi xung quanh Thế vận hội. Sự hợp tác này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của thông tin và tạo ra mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai lệch. Trong trường hợp này, bài báo đã thúc đẩy chương trình nghị sự của Bắc Kinh để tránh nguy cơ Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 bị tẩy chay.

ANSA đã cố gắng phát đi tín hiệu rằng một số tin tức của họ lấy từ Tân Hoa xã nhằm cung cấp tốt hơn cho độc giả về nguồn gốc của thông tin. Tuy nhiên, nỗ lực của họ là không đủ. Độc giả bình thường có thể không biết rằng các tin tức của Tân Hoa xã mang nội dung tuyên truyền. Với số lượng lớn người đọc của ANSA, những tin tức mang nội dung tuyên truyền như vậy có thể có phạm vi tiếp cận rộng lớn và ẩn chứa nhiều hàm ý gây tranh cãi.

Truyền thông Italy tìm kiếm quan hệ đối tác với truyền thông Trung Quốc vì hai lý do chính. Thứ nhất, phía Trung Quốc trả tiền cho không gian được cung cấp để đăng tải nội dung của họ trên các nền tảng của Italy. Thứ hai, một số cơ quan truyền thông Italy hy vọng sẽ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc rộng lớn. Tóm lại, tiền là động lực trong mối quan hệ hợp tác này, đặc biệt là về phía Italy.

Khi mối quan hệ hợp tác này diễn ra trên nhiều hình thức khác nhau và bao gồm việc xuất bản nội dung tuyên truyền, câu hỏi đặt ra là liệu những hình thức hợp tác này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng Italy đối với Trung Quốc hay không.

Mô hình "Một Vành đai, Một Tiếng nói" của Trung Quốc ở Italy ảnh 2Người dân Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nghiên cứu cho thấy ý kiến của người dân Italy về Trung Quốc không được cải thiện: nhận thức của 44,7% số người được khảo sát vẫn không thay đổi, 38,5% nói rằng nhận thức của người dân Italy về Trung Quốc đã tồi tệ hơn và chỉ 16,8% nhìn thấy có sự cải thiện. Nghiên cứu này do Viện Nghiên cứu châu Á ở Trung Âu kết hợp với Đại học Palacky (Cộng hòa Séc) và Đại học Ca 'Foscari ở Venice (Italy) thực hiện từ năm 2017-2020.

Khảo sát trên không trực tiếp đánh giá tác động của truyền thông. Tuy nhiên, người ta có thể cho rằng nếu thông điệp mà truyền thông Trung Quốc truyền tải trên các nền tảng của Italy đã phát huy tác dụng, nhận thức của người Italy về Trung Quốc đáng lẽ ra đã được cải thiện. Xu hướng tiêu cực của dư luận Italy đối với Trung Quốc đã được xác nhận qua một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Italy (IAI) phối hợp với Đại học Siena thực hiện.

Thông tin về Trung Quốc gia tăng đáng kể

Những kết luận của nghiên cứu trên không nên là cái cớ để bỏ qua thực trạng trên và tránh một cuộc thảo luận rất cần thiết về những hoạt động hợp tác truyền thông với Trung Quốc như chương trình hợp tác của ANSA ở Italy và những nơi khác. So với những nước khác, cuộc tranh luận tại Italy về Trung Quốc vẫn chưa sôi nổi và không được chú trọng nhiều.

Tuy nhiên, những năm qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể thông tin về Trung Quốc. Một mặt, điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều hơn nguy cơ xuất hiện thông tin sai lệch. Mặt khác, các nhà báo chuyên viết về Trung Quốc đã hưởng lợi từ mối quan tâm ngày càng lớn đối với những mối quan hệ với Trung Quốc và do đó có nhiều thuận lợi hơn để nghiên cứu sâu những chủ đề liên quan.

Hiện vẫn chưa thể xác định cụ thể mức độ phổ biến của những hình thức hợp tác truyền thông như vậy ở các nước châu Âu khác. Liên minh châu Âu hiện thiếu các hướng dẫn về cách thức xúc tiến các hình thức hợp tác truyền thông với các nước độc tài. Kiểm duyệt nội dung lại không phải là một biện pháp mong muốn.

Tuy nhiên, EU nên dán nhãn tiêu chuẩn về nguồn gốc của tin tức cũng như khuyến khích khả năng chèn các cảnh báo đối với những nội dung giống như tuyên truyền. Rõ ràng, vấn đề này vượt ra ngoài những hoạt động hợp tác với các phương tiện truyền thông Trung Quốc hoặc khả năng tiếp cận với cỗ máy tuyên truyền của Trung Quốc. Lý do là vấn đề này được đưa vào cuộc tranh luận rộng mở về cách thức đối phó và đấu tranh với thông tin sai lệch mà không hạn chế quyền cơ bản như quyền tự do báo chí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục