Mục tiêu kép của những người phụ nữ “bám biển” ở Tanzania

Haji - cùng 12 phụ nữ khác sống tại làng Jambiani bên bờ biển Ấn Độ Dương - đã sống dựa vào những miếng bọt biển tự nhiên, có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt.
Mục tiêu kép của những người phụ nữ “bám biển” ở Tanzania ảnh 1Nasir Hassan Haji với sản vật bọt biển. (Nguồn: postguam.com)

Nasir Hassan Haji chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một nông dân hay vận động viên bơi lội, nhưng khi cô lội xuống vùng nước xanh ngắt gần đảo Zanzibar (Tanzania) với chiếc kính bơi kéo ngang khăn trùm đầu để kiểm tra trang trại bọt biển nổi của mình, cô bỗng ngạc nhiên nhận ra rằng: mình đã hóa thành cả hai nhân vật đó lâu nay.

Haji - cùng 12 phụ nữ khác sống tại làng Jambiani bên bờ biển Ấn Độ Dương - đã sống dựa vào những miếng bọt biển tự nhiên, có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt.

Những miếng bọt biển nhấp nhô trên những sợi dây thừng dày. Chúng được những người phụ nữ làng Jambiani nuôi trồng trong nhiều tháng, rồi thu hoạch, làm sạch, sau đó bán cho các cửa hàng và khách du lịch.

Haji có ngôi nhà trên đảo Zanzibar. Cô chia sẻ: "Tôi đã học bơi và nuôi bọt biển để có thể tự lực trong cuộc sống và không phải phụ thuộc vào bất kỳ người đàn ông nào."

Trước khi nuôi bọt biển - một động vật đa bào, đơn giản và có hình thù giống như một tảng đá màu trắng, Haji đã trồng rong biển.

Tuy nhiên, sự ấm dần lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ đại dương ngày càng tăng và ảnh hưởng đến lợi nhuận từ rong biển của Haji.

Tình trạng biến đổi khí hậu không chỉ khiến nền nhiệt tăng cao, mà còn thúc đẩy nước biển dâng.

Haji và những phụ nữ khác cũng phụ thuộc vào biển để kiếm kế sinh nhai đã phải tìm nhiều cách để đa dạng hóa nguồn thu - từ trồng rong biển đến đánh bắt cá và du lịch và giờ là trồng bọt biển.

Các nhà bảo tồn địa phương cho biết điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi đại dịch COVID-19 hạn chế việc đi lại trên khắp thế giới, theo đó đã ngăn dòng khách du lịch đến địa điểm nghỉ mát nhiệt đới này, buộc người dân trên đảo phải tìm đến thiên nhiên để kiếm sống.

Ông Mohamed Okala, một nhà bảo tồn và hướng dẫn viên du lịch tại Jambiani, cho biết: “Chúng ta đang thấy những người dân sống dựa vào du lịch giờ chuyển sang đánh bắt cá hoặc lên rừng đốn gỗ... Đó là một cuộc chiến giữa kinh tế và môi trường.”

Người dân địa phương thừa nhận nguồn cá đại dương đã cạn kiệt dần trong năm qua. Nhưng đối với những phụ nữ như Haji, việc nuôi trồng bọt biển đã lại có thể giúp họ thực hiện mục tiêu kép, chống lại cả những cú sốc về khí hậu và kinh tế mà hòn đảo này phải gánh chịu.

Bà mẹ đơn thân 46 tuổi cho biết: “Tôi đang xây ngôi nhà của riêng mình và dạy dỗ các con cái. Phụ nữ trước đây thường bị bỏ lại phía sau, nhưng bây giờ điều đó đang thay đổi."

Mục tiêu kép của những người phụ nữ “bám biển” ở Tanzania ảnh 2Trang trại bọt biển. (Nguồn: postguam.com)

Nghiên cứu của Đại học quốc gia tại Zanzibar cho thấy hơn 90% nông dân trồng rong biển trên hòn đảo này là phụ nữ và họ nhận thấy nhiệt độ nước thay đổi, lượng mưa và độ mặn đại dương ảnh hưởng đến sản lượng rong biển trong những năm gần đây. 

Phân tích những dữ liệu về tình trạng ấm dần lên tại  Zanzibar trong 40 năm qua, các nhà khoa học quốc tế dự báo nhiệt độ trung bình hằng tháng tại hòn đảo ở Tây Phi này sẽ tăng từ 1,5 đến 2 độ C vào những năm 2050.

Những người phụ nữ trồng rong biển thường bán sản phẩm của mình cho các công ty trung gian, để xuất khẩu sang các nước như Đan Mạch, Pháp, Mỹ...., nơi rong biển sẽ được sử dụng làm chất nhũ hóa trong kem, xà phòng và thực phẩm.

Haji đã nuôi trồng rong biển từ khi còn là một cô gái trẻ cho tới cách đây 6 năm, khi một người bạn chia sẻ với cô rằng tổ chức từ thiện vì môi trường Marinecultures.org đang dạy phụ nữ bơi và nuôi các loại bọt biển có thể được sử dụng để làm sạch đồ vật và làm dụng cụ tắm.

Kể từ năm 2009, Christian và Connie Vaterlaus - hai nhà sáng lập tổ chức Marinecultures.org (người Thụy Sĩ) - đã thu thập các hạt bọt biển quanh đảo Zanzibar để trồng trong vườn ươm của họ. Vườn ươm này sau đó đã trở thành bệ phóng cho các trang trại bọt biển ngày càng phát triển và nhân rộng.

"Tôi đã gặp một người ở Micronesia đang nuôi bọt biển và tôi nhận thấy sẽ rất có ích nếu triển khai ý tưởng này tại Zanzibar," ông Christian Vaterlaus chia sẻ. Theo ông, hiện trên thế giới mới chỉ có một vài trang trại bọt biển đã được hình thành và đi vào hoạt động. 

Ông Vaterlaus cũng đã thiết lập một văn phòng riêng tại làng Jambiani. Ông cho biết bọt biển có khả năng chống chịu sự biến đổi khí hậu tốt hơn nhiều so với rong biển.

Nó không cần nhiều sự chăm sóc và có thể bán với giá cao hơn cho các khách sạn và khách du lịch, đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường thay cho bọt biển tổng hợp. 

Ông Vaterlaus còn nhấn mạnh rằng bọt biển tự nhiên cũng lọc và ăn các hạt nhựa trong môi trường nước, đồng thời cung cấp một giải pháp thay thế cho việc đánh bắt cá quá mức, giảm bớt căng thẳng cho hệ sinh thái ven biển.

Đã có 13 phụ nữ tại Zanzibar lập nghiệp với sự giúp đỡ của tổ chức Marincultures.org. Tổ chức từ thiện này cũng đặt chỉ tiêu đào tạo thêm khoảng 4 phụ nữ/năm. 

Theo ông Vaterlaus, trong một tháng thuận lợi, mỗi phụ nữ trên có thể bán 10-20 miếng bọt biển với giá lên đến 20 USD/miếng. Họ cũng có thể phát triển bản thân trở thành những nhà bảo tồn môi trường biển.

Ông nêu rõ: “Khi mọi người nhận ra rằng nuôi dưỡng biển bền vững sẽ tốt hơn là đánh bắt hải sản quá mức, thì biển sẽ trở thành người bạn cung cấp nguồn sống cho bạn. Điều quan trọng là bạn phải bảo vệ biển.”

Tổ chức Marincultures.org cũng đang mở rộng mô hình nuôi trồng bọt biển tại Madagascar và Tunisia.

Ông Vaterlaus cho biết: “Chúng ta không thực sự hiểu điều gì sẽ đến khi gặp phải những sự thay đổi về khí hậu, nhưng chúng ta phải lạc quan và chúng ta cần nỗ lực thích nghi ngay từ bây giờ, trong khi chúng ta vẫn còn cơ hội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục