Mỹ đơn độc trong chiến tranh lạnh với Trung Quốc

Bất chấp mạng lưới liên minh toàn cầu, Washington không thể thuyết phục các đồng minh “đồng sức đồng lòng” với “cuộc cạnh tranh siêu cường” và đẩy lùi Trung Quốc.
Mỹ đơn độc trong chiến tranh lạnh với Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: Sina)

Tạp chí The Atlantic mới đây vừa có bài bình luận với tiêu đề “Mỹ đơn độc trong chiến tranh lạnh với Trung Quốc,” trong đó cho rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang dấn thân vào cuộc đối đầu toàn diện với Bắc Kinh.

Trong cuộc cạnh tranh giành quyền định hình thế giới thập kỷ tới, Mỹ có vẻ như đang là kẻ thắng thế. Tuy nhiên, cường quốc này đang vướng vào một thách thức lớn.

Bất chấp mạng lưới liên minh toàn cầu, Washington không thể thuyết phục các đồng minh “đồng sức đồng lòng” với “cuộc cạnh tranh siêu cường” và đẩy lùi Trung Quốc.

Giới chức Mỹ đang vật lộn với thách thức trong việc phải thuyết phục các nước bè bạn rằng Mỹ là một đối tác đáng tin cậy, đủ sức cung cấp cho họ những lựa chọn thay thế khả thi hơn những gì mà Trung Quốc có thể đem lại. Những khó khăn này một phần là do hàng loạt thông điệp gây hoang mang của chính Tổng thống Mỹ.

[Lý do dễ hiểu Mỹ có thể thua trong Chiến tranh Lạnh mới]

Hệ quả của những hoài nghi này đã trở nên rõ nét hơn trong vài tuần trở lại đây qua hành động của Anh, đồng minh thân thiết nhất của Mỹ trên thế giới, và của một trong những quốc gia ủng hộ Mỹ mạnh mẽ nhất, Philippines.

Không đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, những đồng minh này đã tự tạo tiền lệ cho các quốc gia khác trong việc xử lý khi kẹt giữa cuộc cạnh tranh của các siêu cường.

Hành động này cũng cho thấy các mối quan hệ quốc tế hiện nay đan xen như thế nào; sức mạnh của Trung Quốc hấp dẫn họ hơn là tham gia liên minh do Mỹ dẫn dắt và bước vào một thế giới bị chia rẽ kiểu Chiến tranh lạnh.

Do vậy, nếu Mỹ vẫn cố chấp tái định hình thế giới theo hướng ấy, Mỹ chắc chắn sẽ bị cô lập. Nếu không muốn bị cô lập, điều Mỹ cần làm là đưa ra những gì đủ để khiến các đồng minh có thể tin tưởng họ thay vì Trung Quốc.

“Tham vọng” kích động chiến tranh lạnh Mỹ-Trung bắt đầu đối mặt với làn gió ngược hồi cuối tháng Một vừa qua khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố Anh cấp phép cho tập đoàn viễn thông Huawei cung cấp thiết bị cho mạng lưới di động 5G.

Mỹ đơn độc trong chiến tranh lạnh với Trung Quốc ảnh 2Biểu tượng Huawei tại văn phòng ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Anh cho biết hạng mục cung cấp nằm ngoài phạm vi các thiết bị nhạy cảm và Anh không cấm triệt để nhà cung cấp này như cách mà Mỹ, Australia và Nhật Bản đã làm.

Đây được xem như “cái tát” thẳng vào mặt giới chức Mỹ, những người suốt nhiều tháng qua liên tục thuyết phục những người đồng cấp Anh cấm Huawei vì rủi ro an ninh, cụ thể là cáo buộc tập đoàn này có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Việc quốc gia có “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ là Anh lựa chọn hướng đi này - trong khi vẫn duy trì việc chia sẻ thông tin tình báo và các đối thoại thương mại với Mỹ hậu Brexit - đã trở thành nhân tố khích lệ nhiều đồng minh khác.

Liên minh châu Âu và Pháp nhanh chóng cân nhắc các kế hoạch tương tự, trong khi Đức nhiều khả năng sẽ có động thái giống Anh. Một số đồng minh khác như Ấn Độ và Hàn Quốc vẫn đang thận trọng quan sát tình hình.

Đối với các quốc gia này, lợi ích từ việc hợp tác với Huawei, tập đoàn thâu tóm thị trường 5G toàn cầu, và cũng là nhà cung cấp giá rẻ nhất nhờ sự trợ giá từ chính phủ Trung Quốc - là điều hoàn toàn có thể thấy rõ, nhất là về mặt chi phí.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang bị kẹt giữa một bên là Mỹ, đồng minh an ninh chính, với bên kia là Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu.

Một ví dụ khác là quyết định xé bỏ một thỏa thuận an ninh đã có thâm niên hàng thập kỷ với Mỹ hồi tuần trước của Philippines. Hai bên vẫn còn 180 ngày để tìm cách cứu vãn Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng (VFA).

Dù trong trường hợp VFA chính thức bị khai tử, các khía cạnh khác của liên minh quân sự, như một thỏa thuận quốc phòng chung khác vẫn còn tồn tại, thì quyết định của Tổng thống Duterte thực sự cũng đã tạo ra một mối đe dọa trầm trọng đối với liên minh này cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực của quân đội nhằm kiềm chế Trung Quốc trong khu vực.

Theo học giả Brad Glosserman, quyết định của Duterte một phần xuất phát từ những hoài nghi của ông về những cam kết mà Mỹ đưa ra với lĩnh vực quốc phòng của Philippines và lo ngại trước nguy cơ đối đầu Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhấn mạnh chính quyền Duterte đang đi sai hướng, song điều đáng lo ngại nhất là nhà lãnh đạo của nước Mỹ dường như lại chẳng mấy để tâm. Ông thậm chí còn cảm ơn Philippines vì đã giúp Mỹ tiết kiệm “rất nhiều tiền.” 

Đó là thái độ đã quá quen thuộc mà Trump dành cho các quốc gia có liên minh quân sự lâu đời với Mỹ.

Và dư luận ngày nay bắt đầu hiểu ra rằng cho dù giới chức Mỹ có nói gì đi chăng nữa thì quan điểm của Trump về cuộc cạnh tranh với Trung Quốc cũng đều gói gọn quanh các khía cạnh thương mại thay vì hướng đến một tầm nhìn rộng hơn là cuộc cạnh tranh địa chiến lược của các siêu cường.

Các đồng minh ngày càng không mấy mặn mà với việc đứng về phía Mỹ bởi họ đã chứng kiến nhiều sáng kiến chính sách nước ngoài bị các chính quyền kế nhiệm đảo chiều.

Rõ ràng rất nhiều quốc gia, kể cả các đồng minh và đối tác then chốt của Mỹ đều đang có chung một ý nghĩ rằng “tại sao lại phải lựa chọn một bên nào đó trong khi cuộc bầu cử Mỹ hoàn toàn có thể đảo lộn tất cả?”

Trong một báo cáo mới về chính sách Trung Quốc của Mỹ, Trung tâm An ninh Mỹ mới lưu ý rằng dù đa phần các đối tác của Mỹ không hề muốn trở thành một phần trong hệ thống quốc tế mới do Trung Quốc dẫn đầu song họ không thể phớt lờ Bắc Kinh bởi “những cơ hội kinh tế khổng lồ và thực tế địa chính trị.”

Tác giả báo cáo này nhấn mạnh rằng đó là thực tế mà mọi chiến lược của Mỹ đều phải tính đến. Báo cáo cũng nhấn mạnh: “Mọi nỗ lực xây dựng một liên minh chống Trung Quốc đều sẽ thất bại.”

Và cùng ngày báo cáo này được công bố, Anh đã thông báo về kế hoạch cấp phép cho Huawei của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục