Mỹ Latinh trước những thách thức phục hồi kinh tế trong năm 2021

Sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh khiến nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và những tác động nghiêm trọng gây ra bởi đại dịch trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Mỹ Latinh trước những thách thức phục hồi kinh tế trong năm 2021 ảnh 1Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. (Nguồn: aa.com.tr)

Theo trang mạng baenegocios.com của Argentina, sự bùng phát của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh khiến nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề và những tác động nghiêm trọng gây ra bởi đại dịch trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội khiến việc rút ngắn khoảng cách giữa khu vực này với các nền kinh tế phát triển trên thế giới trở nên khó khăn hơn.

Nền tài chính công tại các quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp do chính phủ các nước thực hiện nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã dự đoán nợ công của toàn khu vực Mỹ Latinh sẽ lên tới tương đương 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong giai đoạn 2020-2025, so với mức 47% GDP của năm 2012. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách trong năm 2020 ước tính sẽ vượt 5% GDP. Mức thâm hụt được dự báo sẽ giảm dần xuống mức 3,7% GDP vào năm 2025.

Hiện chính phủ các nước trong khu vực đang tìm kiếm các biện pháp kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 thông qua việc triển khai các chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 đại trà, đồng thời cam kết tạo điều kiện cho các khoản đầu tư mới nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Theo các chuyên gia, các biện pháp trên sẽ phần nào “tiếp sức” cho nền kinh tế đang trong tình trạng “hụt hơi” nghiêm trọng hiện nay, song GDP trong ngắn hạn của hầu hết các quốc gia trong khu vực sẽ khó có thể đạt được mức tăng trưởng vào thời kỳ trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Những khó khăn về ngân sách cũng sẽ xuất hiện trong năm nay do những ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nguồn vốn vay từ bên ngoài. Do đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, hợp tác công-tư sẽ trở thành cách thức duy nhất để các nước trong khu vực duy trì tỷ lệ đầu tư và sự phát triển của cơ sở hạ tầng, nhất là trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, kỹ thuật số, năng lượng.

Cùng với đó, các tổ chức hoặc thực thể đa phương trong khu vực như Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án phục hồi kinh tế.

Đề cập đến vấn đề Dịch chuyển đầu tư theo chất lượng (hành động chuyển vốn của các nhà đầu tư khỏi các khoản đầu tư rủi ro sang các khoản đầu tư an toàn hơn) của dòng vốn nước ngoài vào năm 2020, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính chỉ riêng từ tháng 1-6/2020, hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư đã “bốc hơi” khỏi các nền kinh tế mới nổi, trong đó, Mỹ Latinh chiếm khoảng 30% tổng nguồn vốn trên. Trong khi đó, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự báo nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại khu vực này suy giảm từ 45-55% trong năm 2020, mức thấp nhất trên phạm vi toàn cầu.

[Moodys: Triển vọng tín nhiệm của Mỹ Latinh năm 2021 ở mức tiêu cực]

Trong năm 2021, nhằm giảm thiểu tác động từ việc nguồn vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, CEPAL khuyến nghị các nước trong khu vực thay vì dàn trải các nguồn vốn đầu tư thì nên tập trung vào các lĩnh vực giúp thúc đẩy thay đổi công nghệ, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, công nghệ kỹ thuật số và du lịch bền vững.

Du lịch, chiếm khoảng 10% thu nhập ngoại hối và 11% tổng số việc làm tại Mỹ Latinh vào năm 2019, là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp chống dịch COVID-19, bao gồm hạn chế di chuyển bằng đường hàng không và giãn cách xã hội.

Mặc dù chính phủ các nước trong khu vực đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau nhằm đảm bảo sự tồn tại của các doanh nghiệp cũng như duy trì việc làm cho người lao động, CEPAL kêu gọi các quốc gia cần tiếp tục tăng cường hợp tác tiểu vùng trong các khía cạnh như trao đổi thông tin y tế và ban hành các biện pháp nhằm khôi phục việc đi lại của khách du lịch.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nảy sinh vấn đề lao động trong khu vực phi chính thức. Nhiều người bị loại trực tiếp khỏi thị trường lao động, trong khi đa số không nằm trong danh sách nhận được hỗ trợ từ phía chính phủ các nước.

Đến giữa năm 2020, khoảng 47 triệu người Mỹ Latinh đã mất việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo, sự phục hồi của thị trường lao động sẽ diễn ra chậm chạp trong bối cảnh khoảng 2,7 triệu doanh nghiệp trong toàn khu vực phải đóng cửa.

Về điểm này, CAF đề xuất tiến tới số hóa để phá vỡ “vòng luẩn quẩn” tạo ra bởi tính phi chính thức của thị trường lao động. Cùng với đó, các chuyên gia đề nghị đưa ra các biện pháp cải thiện hệ thống bảo hiểm dành cho người lao động và đơn giản hóa các quy chuẩn liên quan đến thuế thu nhập nhằm khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ “đăng ký việc làm” cho những người lao động tự do.

Vấn đề cuối cùng, việc đóng cửa biên giới đã phá vỡ chuỗi cung ứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại. Báo cáo từ CEPAL ước tính xuất khẩu trong khu vực suy giảm 23% và nhập khẩu giảm 18% trong năm 2020. Cùng với đó, thương mại nội khối chỉ chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu, kém xa so với các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ đó đạt 60%-70%.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc chuyển hướng dòng chảy thương mại sang các nước nội khối đòi hỏi phải cải thiện cơ sở hạ tầng và hậu cần, đồng thời tạo ra các chuỗi giá trị khu vực và khả năng điều phối mạng lưới sản xuất giữa các nước.

Thúc đẩy xuất nhập khẩu nội khối được coi là then chốt trong bối cảnh hiện nay, vì việc gia tăng thương mại giữa các nước trong khu vực, vốn sở hữu thị trường tiềm năng với tổng cộng 650 triệu dân, sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những tác động từ cuộc khủng hoảng cung hoặc cầu bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục