Để xây dựng Thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã nạo vét, tác động đẩy dòng nước sông Krông Nô đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông về phía huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Hậu quả là hơn 100ha lúa của người dân bị thiếu nước tưới do trạm bơm ven sông bị vô hiệu hóa.
Ông Nguyễn Văn Danh, một nông dân trồng lúa trên cánh đồng buôn Sứk, xã Quảng Phú, cho biết năm nay gia đình buộc phải gieo sạ muộn hơn so với năm trước khoảng nửa tháng.
Nguyên do là tình trạng khô hạn kéo dài, trạm bơm nước từ sông Krông Nô vào cánh đồng buôn Sứk thường xuyên “treo giỏ” nên nguồn nước khan hiếm.
Hiện nay, gia đình mới chỉ sạ lúa được 2 tuần, nước vẫn thiếu trầm trọng, mỗi ngày chỉ lấy được một buổi, có khi phải đợi đến nửa đêm.
Theo các hộ dân trên cánh đồng buôn Sứk, việc gieo sạ chậm kéo theo nhiều hệ lụy. Thứ nhất là một số loại bệnh dễ phát sinh, đến khi thu hoạch lại bị chim, chuột phá hại. Thứ hai là hiện nay vẫn đang thiếu nước, trong khi cây lúa cần nước ngập chân mới đủ điều kiện sinh trưởng, phát triển ổn định. Việc nhiều thửa ruộng chỉ có nước cầm chừng khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém thêm chi phí.
Trạm bơm D12 tại xã Quảng Phú được xây dựng để bơm nước trực tiếp từ sông Krông Nô và cánh đồng buôn Sứk và cánh đồng D12.
[Tỉnh Đắk Nông khắc phục tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ]
Khoảng hơn một tháng nay, trạm chỉ hoạt động cầm chừng do mực nước sông xuống thấp, dòng sông đổ dồn sang phía huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, còn phía huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông thường xuyên trong tình trạng trơ đáy.
Theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Phú, trong quá trình xây dựng Thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã nạo vét, tác động vào lòng sông và đẩy dòng nước sang phía tỉnh Đắk Lắk, trạm bơm D12 bị hụt “chân,” không bơm được nước hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Cũng theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Phú, người dân địa phương đang rất bức xúc về vấn đề này. Nhiều hộ dân đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân xã phải sớm giải quyết đến nơi đến chốn, nếu không sẽ khiếu kiện, yêu cầu các ngành chức năng vào cuộc xử lý.
Ông Hồ Tràng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, cho biết việc thi công Thủy điện Chư Pông Krông đã làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân tại xã Quảng Phú.
Thời điểm này năm 2018, đơn vị thi công nổ mìn phá đá làm nứt nhà dân và đến nay vẫn chưa bồi thường xong. Năm nay lại xảy ra tình trạng nắn dòng để thi công làm thủy điện khiến cả cánh đồng thiếu nước, hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng.
“Các năm trước, mỗi khi trạm bơm thiếu nước, chúng tôi huy động người dân tham gia nạo vét, xử lý khu vực lòng sông dưới “chân” trạm bơm để bơm nước vào cánh đồng. Năm nay cũng khô hạn kéo dài nhưng không làm được, vì dòng sông đã bị nắn đi hướng khác, cách chân trạm bơm hàng chục mét,” ông Hồ Tràng giải thích.
Cũng theo lãnh đạo Đảng ủy xã Quảng Phú, dù sự việc nghiêm trọng như vậy nhưng phía chủ đầu tư, đơn vị thi công thủy điện vẫn tỏ ra không hợp tác, coi như đó chỉ là việc nhỏ.
Ủy ban Nhân dân xã Quảng Phú đã đề nghị phối hợp với các ngành chức năng của huyện tiến hành khảo sát và có văn bản báo cáo lên Ủy ban Nhân dân huyện Krông Nô và các ngành chức năng liên quan xử lý theo thẩm quyền.
Cánh đồng buôn Sứk và D12 đều thuộc xã Quảng Phú có diện tích khoảng 120ha với khoảng 300 hộ dân canh tác. Nhiều hộ đồng bào M’Nông, Ê đê gắn bó với mảnh đất này hàng trăm, hàng nghìn năm nay.
Việc đảm bảo nguồn nước ổn định, dồi dào cho người dân rất quan trọng. Bởi cây lúa cần nhiều nước, trong khi tình trạng khô hạn ở đây khá gay gắt, nếu xảy ra nắng hạn tầm 10-15 ngày là nông dân thiệt hại nặng nề.
Trao đổi với phóng viên TTXVN về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Mùi, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây lắp điện Hưng Phúc ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đơn vị chủ đầu tư dự án Thủy điện Chư Pông Krông, cho rằng nguyên nhân chính trạm bơm D12, xã Quảng Phú không hoạt động được là do khô hạn, mực nước sông xuống thấp.
Việc nạo vét một số khu vực trên đoạn sông gần trạm bơm đã được công ty tính toán phương án, nhưng phần do địa hình, phần do nguồn nước nên mới xảy ra tình trạng trạm bơm bị hụt nước.
Phía công ty sẽ sớm khắc phục, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho dân và chịu toàn bộ chi phí liên quan./.