Nghị viện châu Âu ủng hộ các bước trừng phạt chưa từng thấy với Ba Lan

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/3, với tỷ lệ 422 phiếu thuận, 147 phiếu chống, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) hành động chống lại Ba Lan.
Nghị viện châu Âu ủng hộ các bước trừng phạt chưa từng thấy với Ba Lan ảnh 1Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. (Nguồn: PAP)

Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí ủng hộ các bước trừng phạt chưa từng thấy đối với Ba Lan liên quan đến cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi ở nước này.

Trong cuộc bỏ phiếu ngày 1/3, với tỷ lệ 422 phiếu thuận, 147 phiếu chống, EP đã thông qua nghị quyết ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) hành động chống lại Ba Lan. Nghị quyết trên không mang tính ràng buộc, song đã tăng thêm sức ép đối với Ba Lan sau khi các chính phủ Tây Âu liên tục nhắc nhở Warsaw rằng "thời gian sắp hết."

Trước đó, EC cáo buộc đảng Công lý và phát triển (PiS) cầm quyền ở Ba Lan đã vi phạm các nguyên tắc luật pháp khi tiến hành các cải cách tư pháp và hệ thống truyền thông nhà nước kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2015. Sau 2 năm đối thoại với Ba Lan không đạt kết quả, tháng 12/2017, EC đã đề nghị hành động chống lại Warsaw, có thể dẫn tới việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của nước này trong EU nếu Warsaw không có nhượng bộ trước hạn chót là vào ngày 20/3 tới.

[Ba Lan muốn Liên minh châu Âu thay đổi quan điểm về cải cách tư pháp]

Từ đầu năm 2018, tân Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã tìm cách giảm căng thẳng và dự định tiếp tục gặp Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker vào ngày 8/3. Tuy nhiên, EP đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ của mình và hối thúc EC hành động.

Theo khuyến cáo của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans, EU có thể sẽ áp dụng Điều 7 Hiệp ước Lisbon, vốn quy định EU có thể tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan tại EC, nếu quốc gia này không thực hiện đầy đủ những yêu cầu từ EU. Mặc dù vậy, việc này ít khả năng xảy ra vì đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả các chính phủ châu Âu.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố sẽ ngăn cản bất cứ hành động nào chống lại đồng minh Ba Lan. Tuy nhiên, nếu EU tiến hành bỏ phiếu trừng phạt ngay cả khi có một lá phiếu phủ quyết của Hungary, việc này cũng sẽ đặt ra một sức ép chính trị lớn đối với Ba Lan. Tranh cãi hiện nay cũng sẽ khiến các nước thành viên EU cắt tiền trợ cấp cho Ba Lan trong ngân sách tới bắt đầu từ năm 2021. Hiện Ba Lan là nước được hưởng nhiều nhất từ số tiền tài trợ cho cơ sở hạ tầng và nhiều dự án khác nội khối.

Trước đó, vào tháng 7/2017, Nghị viện Ba Lan đã đề xuất một dự thảo luật về cải tổ hệ thống tư pháp, khẳng định cuộc cải cách này là cần thiết để tăng tính hiệu quả của tòa án. EC cho rằng hành động của cơ quan lập pháp Ba Lan không chỉ vi phạm các nguyên tắc của EU mà còn tạo điều kiện cho cơ quan hành pháp nước này gây ảnh hưởng và thậm chí là can thiệp vào cơ cấu tổ chức, thẩm quyền cũng như hoạt động chuyên môn của cơ quan tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục