Ngày 23/1, một ủy ban của Nghị viện châu Âu (EP) đề xuất dự án tái cơ cấu Cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách giảm số lượng nghị sỹ sau khi Anh rời khỏi khối này, sự kiện được gọi là Brexit.
Đồng thời, ủy ban này cũng đang cân nhắc phương án có thể bầu số lượng nghị sỹ nhất định dựa trên lá phiếu của cử tri trên toàn châu Âu.
Nếu Brexit diễn ra đúng lịch trình vào ngày 29/3/2019, nước Anh sẽ để lại 73 ghế nghị sỹ tại EP.
Theo đề xuất của Ủy ban cải cách, số ghế nghị sỹ của EP có thể sẽ được giảm từ 751 hiện nay xuống còn 705, bao gồm cả Chủ tịch Nghị viện.
[Vấn đề Brexit: Hạ viện Anh "bật đèn xanh" cho dự luật rời khỏi EU]
Ủy ban phụ trách các vấn đề thể chế đã đề xuất dự án tái cơ cấu EP có tính đến sự phát triển về dân số trong EU.
Nghị sỹ người Ba Lan Danuta Hübner tuyên bố một trong những thách thức chính của quá trình xây dựng báo cáo là vấn đề xử lý các di sản do Brexit để lại.
Các nghị sỹ phải đưa ra giải pháp thích ứng với bối cảnh một nước thành viên lớn chuẩn bị rời khỏi EU và phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một Nghị viện tinh giảm và hiệu quả.
Trong số 73 ghế nghị sỹ mà nước Anh để lại sau Brexit, 46 ghế sẽ tiếp tục được duy trì; trong đó 16 ghế dành cho nhu cầu mở rộng và 27 ghế khác sẽ được phân bổ cho 14 nước hiện đang trong tình trạng bất lợi về tỷ lệ đại diện tính trên dân số.
Theo đó, Tây Ban Nha và Pháp có thể được thêm năm ghế trong khi Italy và Hà Lan sẽ có thêm ba ghế mỗi nước.
Theo các nghị sỹ, đề xuất áp dụng cách thức bầu cử toàn châu Âu sẽ làm tăng trách nhiệm công dân và bản sắc châu Âu trong các cuộc bầu cử lập pháp./.