Nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay

Theo nhiều chuyên gia, gia tăng ca mắc mới một phần là do người dân chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, với tâm lý yên tâm khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19.
Nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay ảnh 1Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Nhiều địa phương có số ca mắc cao nhất từ trước đến nay do người dân còn chủ quan, lơ là; một số địa phương triển khai tiêm mũi 3 cho đối tương ưu tiên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương trái với chủ trương, chỉ đạo… là những nội dung được quan tâm trong tuần qua.

Số ca mắc trong cộng đồng tăng cao

Tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng cao.

Ngày 12/12, thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình, dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp khi địa phương liên tục phát hiện nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng và xuất hiện một số ổ dịch tại các địa phương trong tỉnh

Riêng ngày 12/12, Quảng Bình đã ghi nhận thêm 36 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 16 ca trong cộng đồng và 20 ca trong khu cách ly.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để kiểm soát các nguồn lây và triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục tuân thủ và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và các quy định về phòng, chống dịch.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất bình tĩnh; phải sáng suốt, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh không để dịch bùng phát, lây lan trong cộng đồng và tập trung cao độ thực hiện các biện pháp một cách an toàn, hiệu quả… từ đó góp phần ổn định đời sống, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tại Đà Nẵng, số ca mắc tăng cao được xác định một phần do người dân chủ quan không thực hiện nghiêm quy định 5K. Tại quận Sơn Trà và Liên Chiểu, tình hình dịch “đang nóng”, theo nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu các địa phương có biện pháp phòng dịch chặt chẽ tại các khu vực phong tỏa; tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi phòng, chống dịch, trong đó xử lý nghiêm các trường hợp F1 đi ra khỏi vùng phong tỏa; tổ chức điều trị thí điểm F0 tại nhà. Ngành giáo dục cần theo dõi chất lượng dạy và học, đưa ra đánh giá hiệu quả của việc tổ chức dạy trực tuyến, trực tiếp...

Tại Bình Phước, trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao và đã cán mốc 1.000 ca mắc mỗi ngày.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước cho biết, số ca mắc mới những ngày qua trên địa bàn chủ yếu được phát hiện qua sàng lọc trong cộng đồng, trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp với số người mắc cao tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến chiều 11/12, toàn tỉnh có 15.405 ca mắc COVID-19, trong đó 8.533 ca đang được điều trị, có 27 trường hợp tử vong.

Trước tình trạng số ca mắc COVID-19 tăng nhanh những ngày qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước chuẩn bị đưa thêm cơ sở điều trị vào hoạt động nhằm thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại Thanh Hóa, đã ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng và xuất hiện những điểm dịch mới tại khu dân cư, khu công nghiệp.

Chỉ trong ngày 10/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 192 ca mắc COVID-19, trong đó có 165 ca mắc phát sinh trong tỉnh và 27 ca mắc là người Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, thành phố khác.

Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân của việc gia tăng ca mắc mới là tình trạng người dân chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, với tâm lý yên tâm khi đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19.

Các chuyên gia khuyến cáo: Vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Triển khai tiêm vaccine mũi 3

Nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay ảnh 2Lực lượng công an được ưu tiên tiêm vaccine trong ngày đầu. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Theo Bộ Y tế, để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, Bộ Y tế triển khai tiêm liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng: Người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine); Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV; người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...

Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết: Tiêm nhắc mũi 3 đã được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, tuy nhiên các quốc gia đều mới triển khai mũi tiêm thứ 3 này.

Những phản ứng có thể gặp sau khi tiêm vaccine mũi thứ 3 tương tự như liều cơ bản. Hầu hết là các phản ứng thông thường như phản ứng tại chỗ tiêm, sưng đau. Phản ứng toàn thân như: Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp...

“Những phản ứng bất thường, hiếm gặp có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine mũi 3 là: Phản ứng phản vệ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim... Ở Việt Nam, trong năm 2021 đã có kinh nghiệm triển khai việc tiêm phối trộn các loại vaccine như mũi 1 vaccine Astrazeneca/ Moderna, mũi hai là vaccine Pfizer... và việc ghi nhận các phản ứng thông thường tương tự như việc tiêm cùng loại vaccine. Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của mình sau khi tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ y tế,” bà Dương Thị Hồng khuyến cáo.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai và lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3.

Sáng 10/12, Thành phố Hồ Chí Minh khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu là nhân viên y tế, công an, quân đội, người suy giảm miễn dịch...

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm mũi 3. Thành phố dự kiến tiêm mũi 3 cho người dân trong hai giai đoạn: Đợt một từ ngày ngày 10/12 đến hết năm nay, tập trung tiêm cho người suy giảm miễn dịch đã tiêm mũi 2 ít nhất 28 ngày và người đã tiêm đủ hai liều ít nhất 6 tháng.

[Thanh Hóa xuất hiện nhiều ca bệnh cộng đồng và nhiều điểm dịch mới]

Đợt hai suốt năm 2022, thành phố tiêm cho các nhóm ưu tiên và toàn bộ người trên 18 tuổi. Đến nay, khoảng 6,9 triệu người Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm mũi 2.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, ngày 11/12, qua 2 ngày triển khai tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, Vĩnh Long có gần 3.000 người được tiêm, chiếm gần 0,4% người trên 18 tuổi.

Tại Hà Nội, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19; tiêm mũi 2 cho học sinh Trung học Phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước đến nay ảnh 3Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng lưu ý, Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho những người chưa được tiêm, nhất là người có bệnh nền và học sinh cấp trung học cơ sở; tiêm mũi 2 cho học sinh cấp Trung học Phổ thông đủ điều kiện và sẵn sàng tiêm mũi 3 cho đối tượng ưu tiên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch trái với chủ trương, chỉ đạo

Văn phòng Chính phủ vừa thông tin nội dung Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, trong đó yêu cầu rà soát, bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch áp dụng tại các địa phương trái với chủ trương, quy định, chỉ đạo của Trung ương, không để ách tắc lưu thông hàng hóa, cản trở việc đi lại của nhân dân và quá trình khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; cấp phát ngay thuốc kháng virus nhanh nhất, sớm nhất cho người mắc COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tiếp tục triển khai nghiêm túc, thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà và cộng đồng, kịp thời đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu thực tế.

Hệ thống y tế và chính quyền cơ sở bố trí nhân lực, phương tiện để ghi nhận, tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ và quản lý người mắc COVID-19; không để xảy ra tình trạng người nhiễm có yêu cầu nhưng không nhận được hỗ trợ của chính quyền địa phương hoặc cơ sở y tế, khi vượt quá khả năng phải báo cáo ngay Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để có phương án hỗ trợ, không để chuyển nặng, tử vong vì không được cấp cứu, điều trị kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế vì yếu tố chủ quan.

Các địa phương rà soát, triển khai và thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vaccine, bảo đảm tiêm hết cho các đối tượng có chỉ định tiêm chủng nhưng chưa tiêm, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền..., chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 12 năm 2021; rà soát, kiểm tra toàn bộ việc bảo quản, tiêm vaccine theo đúng quy định, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc do nguyên nhân chủ quan; tiếp tục chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông dữ liệu dân cư với thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục