Nhiều đoàn tàu phải kéo dài giờ chạy do thi công đường sắt Bắc-Nam

Theo tính toán của VNR, việc thi công gói dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Bắc-Nam sẽ giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến Bắc-Nam khoảng 30% so với hiện nay.
Việc thi công gói dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Bắc-Nam làm kéo dài thời gian chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Việc thi công gói dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Bắc-Nam làm kéo dài thời gian chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với việc triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng kinh phí đầu tư 7.000 tỷ đồng, hàng loạt đoàn tàu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã phải thay đổi lịch trình và kéo dài thêm thời gian chạy tàu.

Cụ thể, giờ tàu xuất phát các mác tàu Thống Nhất tại 2 ga Hà Nội, Sài Gòn vẫn giữ nguyên nhưng giờ đi, đến các ga dọc đường, đến ga cuối thay đổi. Hành trình cả chuyến kéo dài so với trước đây khoảng 1-3 giờ.

Các mác tàu khu đoạn như tuyến Sài Gòn-Đà Nẵng chạy hàng đôi tàu SE21/SE22; Sài Gòn-Nha Trang chạy hàng ngày đôi tàu SNT1/SNT2; Sài Gòn-Phan Thiết chạy tàu SPT1/SPT2 các ngày thứ Sáu, Bảy, Chủ nhật hàng tuần cũng thay đổi giờ tàu đi đến các ga.

Ở khu vực phía Bắc, phía Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết hành trình tàu tuyến Hà Nội-Vinh thay đổi, kéo dài khoảng từ 15 phút đến 1 giờ so với trước. Tàu NA1 xuất phát ga Hà Nội lúc 22 giờ 15, đến Vinh lúc 5 giờ 20; Tàu NA2 xuất phát ga Vinh lúc 21 giờ 25, đến ga Hà Nội lúc 5 giờ 42.

Tàu SE35 xuất phát ga Hà Nội lúc 13 giờ, đến Vinh lúc 19 giờ 50; Tàu SE36 xuất phát ga Vinh lúc 13 giờ 30, đến ga Hà Nội lúc 20 giờ 45.

[Ngành đường sắt ‘lên đời’ nhờ gói 7.000 tỷ đồng 'đại phẫu' hạ tầng]

Theo tính toán của VNR, việc thi công gói dự án trên sẽ giảm năng lực tàu thông qua toàn tuyến Bắc-Nam khoảng 30% so với hiện nay.

Cụ thể, đường sắt hiện nay có thể thông qua 17 đôi tàu/ngày đêm nhưng khi thi công toàn tuyến với khoảng 52 điểm chạy chậm, tại những vị trí yết hầu chỉ thông qua được khoảng 11,4 đôi tàu/ngày đêm.

“Tổng công ty sẽ phối hợp với chủ đầu tư triển khai dự án này một cách nhanh nhất vì hệ thống hạ tầng đường sắt chính là ‘sát sườn’ kinh doanh của đơn vị,” ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói./.

Dự án cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh được chia làm 4 gói, gồm:

Dự án cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỷ đồng.

Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang-Sài Gòn, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỷ đồng.

Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục