Những chuyến xe Xuân nghĩa tình: 20 năm chuyên chở niềm vui

Trải qua hơn 20 năm, phong trào “Tấm vé nghĩa tình,” “Chuyến xe mùa Xuân,” “Chuyến xe 0 đồng”... đã giúp hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, mưu sinh tại TP.HCM về quê sum họp.
Những chuyến xe Xuân nghĩa tình: 20 năm chuyên chở niềm vui ảnh 1Sinh viên đăng ký về quê đón Tết bằng “Chuyến xe hạnh phúc - Cùng Saigon Co.op về quê ăn Tết”. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Quanh năm vất vả, người lao động nghèo, người già neo đơn ngoài tỉnh, sinh viên học xa quê có hoàn cảnh khó khăn luôn khao khát được đón Tết ở quê nhà, đoàn tụ với gia đình, người thân mỗi độ Xuân về.

Tuy nhiên, chi phí cho việc đi lại cùng quà Tết, tiền mừng tuổi khiến đường về nhà của nhiều người còn quá xa.

Trải qua hơn 20 năm, phong trào “Tấm vé nghĩa tình,” “Chuyến xe mùa Xuân,” “Chuyến xe 0 đồng”... đã giúp hàng ngàn người có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, mưu sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê sum họp đón Tết.

Từ hoạt động chăm lo Tết của tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên thành phố đến nay, phong trào này đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và ngày càng lan tỏa đến nhiều tổ chức, cá nhân, cộng đồng cùng chung tay làm thiện nguyện, giúp người dân khó khăn vui Tết đoàn viên.

San sẻ gánh nặng khi chi phí đi lại quá cao

Anh Nguyễn Trọng Tuyến (công nhân Khu chế xuất Linh Trung 2, quê ở Nam Định) cho biết trên trang vexere.com, giá vé xe khách từ Sài Gòn đi Nam Định có mức dao động từ 800.000-1,6 triệu đồng/người.

Cộng thêm tiền di chuyển từ nhà đến bến xe và từ bến xe về nhà cũng phải cần thêm 300.000 đồng. Như vậy mỗi người hai lượt đi-về mất khoảng 2,2-3,6 triệu đồng.

Gia đình 4 người, vị chi tiền vé xe không đã ở mức 8,8 triệu-14,4 triệu đồng, chưa tính các chi phí ăn uống, nghỉ ngơi trong suốt hành trình dọc đường.

Hiện nhiều nhà xe đã áp dụng các giải pháp giảm giá, chăm sóc khách hàng và nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, vẫn có nhà xe tranh thủ dịp Tết để nhồi nhét, chặt chém cùng các chiêu trò trên suốt tuyến đường dài...

Xa quê mưu sinh, chị Võ Thủy Mỹ Ngọc (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, quê ở Thanh Hóa) chi sẻ chị vừa hỏi đặt vé máy bay về quê dịp Tết với giá hơn 3,5 triệu đồng/người. Ngoài ra, các chi phí, dịch vụ vận chuyển tổng cộng hơn 4 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, giá trên là dành cho trường hợp về sớm trước nửa tháng; còn về đúng ngày (giáp Tết), giá vé cao hơn hẳn, thậm chí không còn vé.

Tương tự, chiều ngược lại cũng vậy, bình quân gia đình 4 người đi - về khứ hồi mất hơn 32 triệu đồng, chưa tính đến tiền quà, mừng tuổi ông bà, con cháu.

[TP.HCM: Chuyến xe đầu tiên đưa 500 công nhân miền Trung về quê đón Tết]

Nếu về bằng tàu, xe khách, chi phí cho cả nhà cũng gần bằng vé máy bay. Bởi vì còn chi phí ăn uống, sinh hoạt dọc đường và mất nhiều thời gian...

Cũng đi làm xa quê nhưng chị Lưu Thị Nguyệt Hà (công nhân ở Khu Công nghệ cao) may mắn hơn khi làm việc trong môi trường tốt, lương thưởng ổn định.

Tuy nhiên, gia đình chị cũng phải thu xếp 3-4 năm mới về quê ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) một lần. Bởi vì chi phí cả gia đình cho mỗi lần về quê (gồm hai vợ chồng, hai đứa con) cùng quà Tết cũng phải mất 50 triệu đồng.

Chị Hà cho biết, đường về quê không xa nhưng mỗi chuyến hành trình của những người xa nhà đều có sự gian nan khác nhau, nhất là trong thời buổi kinh tế nhiều khó khăn. Đôi lúc, chị dành chi phí tàu, xe về quê gửi về cho ông bà chi tiêu, sinh hoạt và chúc Tết qua điện thoại.

Đó là những trường hợp đi làm, có thu nhập để tiết kiệm mua vé xe, tàu về quê. Với người lớn tuổi mưu sinh bằng bán vé số dạo, lao động phổ thông hay với học sinh, sinh viên vào thành phố học hành, mọi chi tiêu đều được cân nhắc kỹ lưỡng nên đường về quê quá xa...

Không giấu được những giọt nước mắt, sinh viên Phạm Thị Châu Sen (trọ tại Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh; quê ở Quảng Ngãi) cho biết  em rất nhớ nhà bởi hơn 2 năm rồi chưa có điều kiện về quê thăm gia đình. Tết năm nào cũng vậy, em tranh thủ làm việc từ 10-16 tiếng/ngày để kiếm thêm chút tiền chi phí cho việc học hành; đồng thời cũng là giải pháp để đỡ nhớ nhà...

Như vậy, “Tấm vé nghĩa tình,” “Chuyến xe mùa Xuân,” “Chuyến xe 0 đồng”… là nghĩa tình ấm áp, nhân văn dành cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn xa quê, nhất là vào dịp Tết cổ truyền.

Cầm tấm vé trên tay, anh Trương Văn Bảo (công nhân Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, quê ở Bình Định) không giấu được niềm vui hồ hởi chia sẻ nhiều đồng nghiệp, đồng hương cũng đã nhận được tấm vé về chung đợt này với anh. Do cùng cảnh ngộ, mọi người cũng dễ dàng giúp đỡ, chia sẻ và thông cảm lẫn nhau.

Theo anh Bảo, những chuyến xa này luôn được đảm bảo chất lượng; có đầy đủ nước uống, không gian nghỉ ngơi thoáng mát (do hành lý để ở gầm xe). Xe được giám sát chặt chẽ không xảy ra tình trạng chèn ép; không dừng, đỗ, đón khách dọc đường. Nhờ vậy, hành khách đều yên tâm và cảm thấy an toàn hơn trong suốt cuộc hành trình dài.

Qua gần 2 tuần chờ đợi, em Nguyễn Lê Bảo Anh (sinh viên trường Đại học Nông Lâm, Thành phố Hồ Chí Minh; quê ở Quảng Ngãi) rất vui mừng khi thấy có tên trong danh sách được về quê trên những chuyến xe miễn phí.

Nguyễn Lê Bảo Anh cho biết Tết này em sẽ được về nhà cùng gia đình đón giao thừa. Tuy không có quà cho bố mẹ bởi hoàn cảnh khó khăn nhưng em vẫn hồi hộp đợi ngày được về quê.

Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Nguyễn Thị Mai Hương (công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) đã rời quê Hà Tĩnh gần 10 năm nay chưa trở về.

Đồng lương công nhân ít ỏi của hai vợ chồng chỉ đủ nuôi hai đứa con ăn học. Con chị lại thường xuyên ốm đau nên dù chi tiêu tằn tiện, cũng không dư giả để đưa cả nhà về quê.

Năm nay, chị được Công đoàn thông báo tặng 2 tấm vé xe đưa về tận quê nhà ăn Tết khiến cả gia đình vui mừng. Chị Hương cho hay, cảm giác được đoàn tụ bên gia đình, cha mẹ trong dịp Tết sẽ xóa tan những mệt mỏi trong suốt hành trình dai. Hơn 10 năm chị chưa được về quê nên rất nhớ bố mẹ, bạn bè.

Tại buổi trao tặng “Tấm vé nghĩa tình” ở Khu chế xuất Linh Trung 1, chị Trần Thị Rơi (công nhân Công ty CCH Top, khu chế xuất Tân Thuận; quê ở Quảng Bình) xúc động chia sẻ 6 năm nay chị không có điều kiện về đón Tết. Do hoàn cảnh khó khăn nhiều năm liền, cả nhà chị phải sinh sống ở nhà trọ.

Vì vậy, chị không nghĩ đến việc về quê dịp Tết bởi chi phí tàu, xe đắt đỏ. Khi được xét tặng “Tấm vé nghĩa tình”, cả nhà chị vẫn không tin cho đến khi có thông báo chính thức. Chị Rơi gửi lời cảm ơn Công đoàn, doanh nghiệp đã quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của người lao động khó khăn.

Hành trình 20 năm

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, từ 2008, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” đã được các cấp công đoàn thành phố thực hiện trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.

Những chuyến xe Xuân nghĩa tình: 20 năm chuyên chở niềm vui ảnh 2Đại diện Ban Quản lý Hepza Thành phố Hồ Chí Minh trao tấm vé nghĩa tình cho công nhân lao động Khu chế xuất Linh Trung. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ban đầu, chỉ có hơn trăm vé xe cho đoàn viên, công nhân ở các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố đến nay, các cấp công đoàn và doanh nghiệp hàng năm đã trao tặng bình quân 35.000 vé vào dịp Tết.

Đối tượng được trao tặng “Tấm vé nghĩa tình” ngày càng được mở rộng (từ người lao động lâu năm không có điều kiện về quê đến các công nhân có thành tích cao trong các hoạt động phong trào; tích cực thi đua lao động, sản xuất kinh doanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp).

Từ những tấm vé xe, vé tàu hỏa đến nay, người dân khó khăn còn được tặng vé máy bay. Nhiều doanh nghiệp chủ động bố trí xe đưa công nhân xa quê về tận nhà ăn Tết, sau đó đón quay trở lại làm việc sau Tết…

Theo Liên đoàn Lao động thành phố, Tết năm nay, ngoài những điểm tập kết ở khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều công nhân được đón tại các địa điểm gần công ty để tạo điều kiện sắp xếp, di chuyển thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, Công đoàn còn vận động nhiều đơn vị tặng quà, lịch; các nhà xe mua bảo hiểm cho khách, hỗ trợ ăn sáng, nước suối, khăn lạnh…

Thành Đoàn, Hội Sinh viên, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên cùng cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Chuyến xe mùa Xuân - Tết sum vầy” chăm lo, hỗ trợ sinh viên, thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước vền quê đón Tết.

Qua 20 năm, chương trình đã đưa hơn 56.900 sinh viên, thanh niên, công nhân về với gia đình. Ngoài ra, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh còn phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức chương trình “Mang Tết về nhà”; chương trình “Tết chung một nhà” hỗ trợ hàng chục ngàn sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết trên những chuyến xe, chuyến tàu và máy bay nghĩa tình…

Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Trung ương Đoàn, các chương trình chăm lo Tết cho học sinh, sinh viên, thanh niên, công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã khẳng định được tính thiết thực. Qua đó, góp phần tạo động lực giúp đoàn viên, thanh niên, sinh viên không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong công việc, học tập, cùng lan tỏa thông điệp, ý nghĩa về ngày Tết cổ truyền của dân tộc, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.

Đồng cảm với người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã tổ chức chương trình “Chuyến xe hạnh phúc - Cùng Saigon Co.op về quê ăn Tết” lần thứ nhất với 10 chuyến xe hỗ trợ cho 450 người (bao gồm cả ăn uống trong suốt hành trình và giỏ quà Tết trước khi khởi hành ngày 17/1).

Dự án thiện nguyện thường niên Chuyến xe số 7+ cùng với các đơn vị cũng tổ chức chiến dịch tặng 300 vé xe "0 đồng" cho người lớn tuổi, người khuyết tật hạn chế khả năng lao động; người lao động có hoàn cảnh khó khăn; sinh viên nghèo hiếu học (xuất phát ngày 14/1)…

Qua các chương trình, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp Thành phố dự kiến trao tặng hơn 40.000 vé xe, vé tàu, máy bay cho sinh viên, người lao động xa nhà đang học tập, lao động tại thành phố với mong muốn gửi gắm hơi ấm mùa Xuân, đong đầy những câu chuyện vui về cuộc sống, những câu chuyện đẹp về sự rèn luyện, nỗ lực phấn đấu tại thành phố nghĩa tình được chia sẻ với những người thân tại quê nhà. 

Nỗ lực của người trong cuộc

Trong những ngày này, những người xa quê đều mong mỏi được trở về sum họp với gia đình, đón chờ giờ phút giao thừa thiêng liêng.

Vì vậy, những người làm chương trình đã ngày đêm, nỗ lực để sớm hoàn thành các thủ tục kết nối, lập danh sách; cố gắng tạo điều kiệt đưa được nhiều công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên về quê đón Tết.

Những chuyến xe Xuân nghĩa tình: 20 năm chuyên chở niềm vui ảnh 3Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên các công nhân về quê đón Tết. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Sát cánh cùng đời sống và việc làm của người lao động nhiều năm nay, ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp, chế xuất thành phố cho biết, năm nào ông cũng thức khuya, dậy sớm để lo cho công nhân được an toàn về quê đón Tết với mong muốn người lao động sau kỳ nghỉ Tết sẽ thu xếp trở lại làm việc đúng ngày giờ, thời gian quy định; tiếp tục gắn bó, đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố.

Để có những chuyến xe tốt nhất, an toàn nhất, cán bộ Công đoàn phải nhiệt tâm, nhiệt tình trên tinh thần tự nguyện.

Công đoàn chủ động liên hệ nhà xe; cho công nhân đăng ký trước Tết Nguyên đán 3 tháng để chủ động kế hoạch đón Tết với gia đình.

Xác định được điều này, ngay từ những năm đầu của chương trình “Tấm vé nghĩa tình,” Công ty Trách nhiệm hữu hạn Fuji Impulse đã tham gia hỗ trợ 70% giá vé, phần còn lại do tổ chức Công đoàn hỗ trợ để công nhân được về quê đón Tết.

Để đảm bảo thời gian cũng như động viên người lao động, công ty còn trả lương, thưởng Tết kịp thời, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để công nhân có thêm phần quà về tặng người thân.

Theo ông Huỳnh Kim Khoa, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Fuji Impulse, việc chăm lo tốt cho người lao động không chỉ động viên, khích lệ mà còn giúp những người xa quê có được những giây phút hạnh phúc bên gia đình và sớm trở lại với công việc sau kỳ nghỉ.

Việc chăm lo tốt, tạo điều kiện cho người lao động về thăm gia đình dịp Tết còn là phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần tương thân, tương trợ; đồng thời gắn kết người lao động với doanh nghiệp, công đoàn, cùng chung tay xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng nghĩa tình và văn minh, hiện đại hơn.

Tương tự, mỗi năm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) và công đoàn dành kinh phí khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức những chuyến xe đưa, đón công nhân về quê.

Tuy nhiên, do tổ chức đưa-đón hai chiều với số lượng công nhân về quê ngày càng đông nên doanh nghiệp đã thương lượng với đại diện người lao động và thống nhất hỗ trợ 90% giá vé xe hai chiều cho công nhân, 10% còn lại do người lao động tự nguyện đóng góp.

Cùng quan điểm, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ever Win (100% vốn nước ngoài ở khu công nghiệp Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức) nhấn mạnh chương trình thể hiện tính nhân văn, tinh thần cộng đồng, trách nhiệm giữa doanh nghiệp và tổ chức công đoàn khi chung tay chăm lo cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Wang Chen Yi tin rằng, sự lan tỏa mạnh mẽ của chương trình giúp doanh nghiệp ý thức hơn trách nhiệm của đơn vị. Từ đó phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn trong việc hoàn thiện chính sách đãi ngộ, chăm lo cho người lao động.

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố, từ việc chi hỗ trợ 50% đến 70% và 90% vé xe, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã tự tổ chức xe đưa công nhân về quê đón Tết; tặng đôi vé tàu và vé máy bay. Điều đó cho thấy, chương trình có sức sống lớn; giải quyết nhu cầu thiết thực, gần gũi với cuộc sống của đông đảo người lao động và doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục