Những kiến thức cơ bản về 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay, Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế đang nghiên cứu, biên soạn để ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nhằm phát hiện sớm những ca đầu tiên.
Những kiến thức cơ bản về 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ ảnh 1Nhân viên y tế bệnh dọn dẹp phòng của ca bệnh đậu khỉ đầu tiên ở Phuket hồi giữa tháng Bảy. (Nguồn: bangkokpost.com)

Trên thế giới, 75 quốc gia đã ghi nhận hơn 16.000 người mắc bệnh đậu mùa khỉ, với 5 ca tử vong. Những quốc gia trong Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Singapore… cũng đã ghi nhận bệnh nhân.

Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập Việt Nam là rất cao.

Sớm ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị

Hiện nay, Việt Nam dù chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế đang nghiên cứu, biên soạn để ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị nhằm phát hiện sớm những ca đầu tiên, sẵn sàng phương án điều trị, ngăn chặn nguy cơ bệnh diễn biến thành dịch.

[Mỹ là quốc gia có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao nhất thế giới]

Giáo sư Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - được Bộ Y tế phân công là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Kính, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị để phát hiện sớm bệnh đậu mùa khỉ cần hướng tới sự ngắn gọn, toàn diện nhưng phải đáp ứng yêu cầu ứng phó ở được mọi tuyến y tế, chứ không dành riêng cho bác sĩ trong bệnh viện hay y tế cộng đồng.

Theo các chuyên gia y tế, cần dựa trên một số yếu tố về dịch tễ và bệnh cảnh lâm sàng nghi mắc bệnh; trong đó ca bệnh có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như: Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục); hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

Yếu tố thứ hai là bệnh nhân có tiền sử đi đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

Về việc xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh, các chuyên gia, nhà khoa học của Bộ Y tế cho rằng xét nghiệm sinh học phân tử (PCR hoặc tương đương) với các bệnh phẩm dịch hầu họng (giai đoạn khởi phát), dịch nốt phỏng (giai đoạn toàn phát) là biện pháp hữu hiệu.

4 giai đoạn trong diễn biến bệnh

Theo Bộ Y tế, việc xây dựng các nội dung trong hướng dẫn được tham khảo từ thực tế các trường hợp bệnh cụ thể của đồng nghiệp trên thế giới, kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các tổ chức uy tín khác.

Theo đó, các chuyên gia của Bộ Y tế xác định có 4 giai đoạn trong diễn biến bệnh đậu mùa khỉ:

1. Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 6-13 ngày, (dao động từ 5-21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.

2. Giai đoạn khởi phát: Từ 1-5 ngày, với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

3. Giai đoạn toàn phát: Đặc trưng là sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1- 3 ngày. Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Ban tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) rồi thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) và mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng). Mụn này sẽ đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

Kích thước tổn thương da được xác định trung bình từ 0,5-1 cm. Số lượng tổn thương da có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

4. Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là một căn bệnh mới. Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 khi hai đợt bùng phát của một bệnh giống đậu mùa (Smallpox) xảy ra trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là "bệnh đậu mùa khỉ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục