Ninh Bình tính đến khả năng xả tràn để cứu đê Hoàng Long

Trước tình trạng mực nước sông Hoàng Long dâng cao từng giờ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đang tính đến việc xả tràn tại nhiều khu vực để cứu tuyến đê Hoàng Long.
Ninh Bình tính đến khả năng xả tràn để cứu đê Hoàng Long ảnh 1Mực nước tại sông Hoàng Long khu vực bến Đế chiều 11/10 đạt mức 4,73m. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Trong những ngày qua, tình hình mưa lớn xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt, mực nước sông Hoàng Long qua địa bàn các huyện Nho Quan, Gia Viễn dâng cao từng giờ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của tuyến đê. Trước tình trạng này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đang tính đến việc xả tràn tại nhiều khu vực để cứu tuyến đê nếu nước tiếp tục dâng.

Trong suốt ngày 11/10, tình hình mưa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu ngớt, thi thoảng vẫn xuất hiện nhiều trận mưa to, lượng mưa trung bình khoảng 200mm, cá biệt nhiều huyện, thành phố có lượng mưa lớn trên 300mm.

Theo báo cáo nhanh của Ủy ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, mưa lớn đã gây thiệt hại cho các xã ven đê thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn và một số khu vực khác trong tỉnh. Bước đầu thống kê có gần 500 hộ khu vực ngoài đê Hoàng Long bị ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, trên 3.000ha thủy sản thủy sản của Nho Quan, Gia Viễn bị ngập, toàn tỉnh có trên 1.000ha lúa bị ngập úng.

Ông Lê Xuân Minh, Bí thư Huyện ủy Gia Viễn, cho biết huyện đã tính đến các phương án nếu phải xả tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Nho Quan; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và nơi sơ tán cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Sẽ có tám xã của huyện Nho Quan và bốn xã của huyện Gia Viễn bị ảnh hưởng nếu xả tràn này.

[Công điện của Thủ tướng triển khai các biện pháp khẩn ứng phó mưa lũ]

Theo ông Đinh Văn Tiên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nho Quan, tính đến chiều 11/10, toàn bộ 38 hồ chứa trên địa bàn huyện đã bị tràn bờ, vùng núi có nguy cơ bị sạt lở lớn. Lượng mưa bình quân từ 210-215mm, lượng mưa lớn nhất tại xã Cúc Phương lên tới 310mm; toàn bộ diện tích trên 3.000ha thủy sản của Nho Quan bị ngập.

Huyện cũng đã tính đến phương án xả tràn Đức Long-Gia Tường nhằm hạ thấp đỉnh lũ góp phần đảm bảo an toàn cho các tuyến đê Đức Long-Gia Tường và các tuyến đê khác theo nhiệm vụ thiết kế. Nếu xả hai tràn này, sẽ có 4.300 hộ dân của các xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy phải sơ tán.

Ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình, hiện nước sông Hoàng Long đang ở mức 4,9m và tiếp tục dâng. Với tình hình hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng đã chuẩn bị phương án xả tràn tại đập Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn nếu mực nước tiếp tục dâng và đạt mức 5,3m.

Ninh Bình tính đến khả năng xả tràn để cứu đê Hoàng Long ảnh 2Người dân tập trung đông tại tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn để theo dõi mực nước lên. (Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN)

Chiều 11/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có cuộc họp khẩn với các ngành hữu quan nhằm đánh giá thực trạng tình hình mưa lũ và đề ra biện pháp ứng phó kịp thời. Trước mắt, tỉnh Ninh Bình triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động đã được phê duyệt, đồng thời ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra; tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác để phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn đặc biệt quan tâm các điểm xung yếu; thực hiện theo dõi, vận hành đảm bảo an toàn đối với Hồ Đồng Chương, hồ Thác La (Nho Quan)...


[Đợt mưa lũ 10-11/10 đã khiến 20 người chết, 12 người mất tích]

Các đơn vị chức năng được đề nghị tiếp tục theo dõi và điều tiết lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn cho nhân dân khu vực chân dốc Quèn Thạch xã Cúc Phương (Nho Quan) và các vùng phụ cận; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt rộng; nghiêm cấm không cho người dân, các phương tiện qua các bến đò ngang, đò dọc, các tuyến giao thông có khả năng bị mưa lũ, ngập sâu cho đến khi nước rút đảm bảo an toàn.

Ủy ban Nhân dân các huyện Nho Quan, Gia Viễn thường xuyên thông tin cho người dân về tình tình mưa lũ; chuẩn bị phương án di dân trong trường hợp phải xử lý vận hành tràn Lạc Khoái và tràn Đức Long-Gia Tường. Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong trường hợp xảy ra lũ quét và ngập úng cục bộ.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố và công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh chủ động triển khai phương án chống úng, tiêu nước đệm ở các vùng có nguy có ngập úng cao, các khu đô thị, dân cư và các khu, cụm công nghiệp; tập trung tiêu úng cho các khu công nghiệp Gián Khẩu; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Điện lực đảm bảo an toàn, liên tục, kịp thời điện bơm tiêu úng, sản xuất và sinh hoạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục