Ninh Thuận sẽ xử lý chủ đầu tư không giải ngân hết vốn đầu tư công

Đến thời điểm này, Ninh Thuận có 6 đơn vị giải ngân đạt kết quả thấp dưới 30% kế hoạch vốn, đối với vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, hiện chỉ giải ngân được 284,2 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch.

Nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Ninh Thuận đang tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương cũng như kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu thi công nếu không thực hiện giải ngân hết vốn đã giao.

Ninh Thuận đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60% đến hết tháng Chín và đến cuối năm 2021 đạt 100%.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chủ đầu tư, các sở, ngành và địa phương phải khẩn trương thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2000 của Chính phủ, tránh tình trạng bị hủy dự toán theo quy định Luật Ngân sách Nhà nước; đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban Nhân dân tỉnh nếu để chậm vấn đề trên.

Cụ thể, các đơn vị có liên quan phải làm việc trực tiếp với các nhà đầu thi công để thống nhất các biện pháp, giải pháp đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện dự án theo từng mốc thời gian, có ràng buộc chế tài xử lý chặt chẽ bằng văn bản.

Đồng thời, các đơn vị phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, hiệu suất giải quyết các hồ sơ, vướng mắc các dự án, giải phóng mặt bằng dự án, kể cả những dự án của các bộ, ngành Trung ương thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tại cuộc họp bàn giải ngân vốn đầu tư công mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh về tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, phải quyết tâm và năng động hơn nữa trong việc chỉ đạo; đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban Nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thực hiện bằng được như mục tiêu đã đặt ra.

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành có liên quan, chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, đơn vị nhà thầu, đơn vị liên quan vi phạm hợp đồng; chuyển vốn đầu tư sang các dự án khác nếu để chậm tiến độ, không đủ năng lực thực hiện thi công dự án; xem xét không cho những nhà thầu kém năng lực tham gia các dự án tiếp theo.

Đối với các dự án trọng điểm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chủ đầu tư xác định rõ mốc thời gian thực hiện kế hoạch chi tiết việc giải ngân theo từng tháng và cam kết tiến độ thực hiện giải ngân, đảm bảo đáp ứng mục tiêu theo quy định của Chính phủ và tỉnh.

[Các dự án giao thông tại TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 13,5%]

Thực tế, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng, mục tiêu đặt ra đến cuối tháng Chín phải giải ngân nguồn vốn đạt trên 60% là hơi khó. Bởi năm nay là năm đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn mà theo Luật Đầu tư công, Chính phủ chưa giao kế hoạch trung hạn cho tỉnh nên nhiều dự án khi triển khai còn vướng mắc.

Bên cạnh đó, việc giải ngân chậm nguồn vốn trên còn có nhiều nguyên nhân khác. Trong số đó, nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương trong thời gian dài.

Ninh Thuận sẽ xử lý chủ đầu tư không giải ngân hết vốn đầu tư công ảnh 1Dự án xây dựng đê kè sông Dinh khu vực huyện Ninh Phước chậm tiến độ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Đó chính là lực cản lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, nhất là dự án ODA.

Đến thời điểm này, Ninh Thuận có 6 đơn vị giải ngân đạt kết quả thấp dưới 30% kế hoạch vốn. Đối với vốn năm 2020 kéo dài sang năm 2021, hiện chỉ giải ngân được 284,2 tỷ đồng, đạt 48,6% kế hoạch; trong đó, vốn trong nước là 74%, còn vốn nước ngoài chỉ đạt 8,1% kế hoạch.

Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của một số sở, ngành, địa phương và các đơn vị thi công công trình sử dụng nguồn vốn này.

Đa số các dự án hiện nay bị chậm tiến độ chủ yếu là do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đặc biệt ở các dự án trọng điểm.

Đơn cử như dự án Hồ Sông Than đến giờ vẫn vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng; dự án kè chống sạt lở khu vực Cảng Cà Ná chậm thi công; dự án đập hạ lưu Sông Dinh chậm làm thủ tục phê duyệt để thanh toán; một số dự án chậm điều chỉnh bổ sung đánh giá tác động môi trường, làm ảnh hưởng đến việc bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ. Một số dự án sử dụng vốn ODA chậm làm thủ tục rút vốn; hồ sơ rút vốn phải trả lại nhiều lần dẫn đến mất nhiều thời gian.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trong năm 2021 được phân bổ hơn 1.898 tỷ đồng; trong đó, có hơn 1.815 tỷ đồng đã phân bổ chi tiết bao gồm: vốn ngân sách Trung ương 533 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 629 tỷ đồng; vốn nước ngoài hơn 594 tỷ đồng.

Trong 8 tháng năm 2021, Ninh Thuận đã giải ngân được 776,591 tỷ đồng, đạt 42,8% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, vốn trong nước đã giải ngân được 545,7 tỷ đồng, đạt 44,5%; vốn nước ngoài 232,8 tỷ đồng, đạt 39,32%.

Từ đầu năm, Ninh Thuận đã lên kế hoạch cụ thể, lộ trình rõ ràng và phân công kiểm tra việc giải ngân ngồn vốn này. Theo đó, Ủy ban Nhân dân Ninh Thuận cũng đã thành lập 4 tổ công tác do chủ tịch và các phó Chủ tịch tỉnh đứng đầu để đôn đốc, kiểm tra, tổ chức giao ban để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực phụ trách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục