Nông dân nếm "trái đắng" do đua nhau nuôi cá tra giống tự phát

Việc bùng phát nuôi cá tra giống đã làm dư thừa sản phẩm cá tra giống, mất cân đối cung-cầu, đẩy giá cá tra xuống còn 18.000-25.000 đồng/kg, khiến phần lớn hộ nuôi bị thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần.
Nông dân nếm "trái đắng" do đua nhau nuôi cá tra giống tự phát ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau thời gian đổ xô phá bỏ ruộng lúa để đào ao nuôi cá tra giống, đến nay, nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An đã phải ngậm ''trái đắng'' khi giá cá xuống thấp, đầu ra khó khăn.

Nhiều người nuôi thua lỗ phải bỏ ao khiến diện tích nuôi giảm mạnh, người dân đang phải "trả giá" nặng nề cho những hệ lụy do việc nuôi cá tra giống tràn lan dù đã được cảnh báo liên tục trước đó.

Huyện Tân Hưng được xem là xuất phát điểm của phong trào nuôi cá tra giống tự phát ở tỉnh Long An vào đầu năm 2017. Thời điểm đó, dọc theo các tuyến kênh qua các xã như Hưng Hà, Hưng Điền B, Hưng Điền… của địa phương này dễ dàng nhìn thấy cảnh máy xúc hoạt động liên tục, người dân thi nhau bỏ lúa để lấy đất đào ao nuôi cá.

Từ Tân Hưng, phong trào đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa nhanh chóng lan rộng ra các địa phương khác trong vùng Đồng Tháp Mười như Tân Thạnh, Mộc Hóa. Diện tích nuôi mở rộng đến chóng mặt.

Nếu như cuối năm 2016, toàn tỉnh Long An chỉ có khoảng 300ha nuôi cá tra giống thì đến cuối năm 2017 mở rộng lên đến 1.300ha và đến cuối năm 2019 con số này đã đạt trên 3.500ha.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là do giá ca tra giống thời điểm đó luôn ở mức cao, dao động 48.000 đồng/kg đối với cá cỡ 30 con/kg; từ 80.000-100.000 đồng/kg đối với cá cỡ 100 con/kg.

Đồng thời, đầu ra sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng do nhu cầu nuôi cá tra thương phẩm ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp tăng cao.

Việc đầu tư nuôi ươm cá tra giống giúp bà con thu lợi nhuận rất lớn, trung bình mỗi năm có thể nuôi trên 4 vụ, lợi nhuận đạt từ 700-800 triệu đồng/ha, cá biệt có những hộ nuôi kinh nghiệm, chăm sóc tốt có thể thu lợi nhuận lên đến 2 tỷ đồng/ha.

Do vậy, nhiều người sẵn sàng đầu tư đào ao nuôi cá với hy vọng thu lợi trong khoảng vài năm rồi sau đó có lỗ cũng không sao.

Dù lợi nhuận thu về khá lớn, nhưng việc người dân liên lục mở rộng diện tích nuôi cá tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thời điểm đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ra nhiều văn bản yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên; các ngành chức năng và chính quyền địa phương đưa ra nhiều cảnh báo về các hệ lụy của việc nuôi cá tự phát.

Đó là chất lượng con giống không đảm bảo; các diện tích nằm trong vùng quy hoạch trồng lúa nên hệ thống kênh mương không phù hợp cho việc nuôi thủy sản; người nuôi xả nước trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và lây lan mần bệnh; diện tích nuôi phát triển nhanh dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu…

Thế nhưng bất chấp những cảnh báo, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, diện tích nuôi cá tra giống ở vùng Đồng Tháp Mười liên tục được mở rộng.

Tuy nhiên, việc bùng phát nuôi cá tra giống, tăng nhanh về diện tích và sản lượng đã làm dư thừa sản phẩm cá tra giống, mất cân đối cung-cầu đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và hiệu quả sản xuất.

Từ cuối năm 2019 đến nay, giá cá tra giống luôn ở mức thấp, dao động từ 18.000-25.000 đồng/kg, phần lớn các hộ nuôi bị thua lỗ, rơi vào cảnh nợ nần.

[Đồng Tháp: Hoạt động xuất khẩu ổn định, giá cá tra nguyên liệu tăng]

Từng thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi vụ từ việc nuôi cá tra giống, anh Trần Minh Hiếu ở xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An hiện đang phải lấp ao để quay trở lại trồng lúa do càng nuôi càng lỗ.

Anh Hiếu cho biết: "Lợi nhuận cao nên ai cũng đổ xô đào ao nuôi cá, nhưng làm nhiều quá nên giá cá xuống thấp, càng nuôi càng lỗ. Mỗi ao lỗ vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Nhiều người đã lấp ao để chuyển sang trồng lúa, nhưng cũng có người không còn đủ khả năng để lấp do kinh phí khá lớn."

Còn ông Nguyễn Hưng Long, ở xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng chia sẻ: Gia đình nuôi 2 ao cá nhưng lỗ quá phải bán luôn đất mà vẫn còn nợ mấy trăm triệu đồng. Giờ không biết làm sao nên phải thuê lại chính phần đất từng là của mình để cố gắng nuôi cầm cự, hy vọng giá cá lại lên cao thì có thể thu hồi được vốn và trả được nợ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trước tình hình giá cả xuống thấp, người dân nuôi bị thua lỗ nên bỏ không nuôi, diện tích ao nuôi cá tra giống tại các huyện Đồng Tháp Mười đã giảm xuống mạnh từ 3.500ha còn khoảng 1.400ha.

Phần diện tích còn lại có khoảng 1.100ha người dân đã san lấp trở lại trồng lúa, sen hoặc cây ăn quả; một phần nhỏ diện tích người dân chuyển đổi sang nuôi trồng các loại thủy sản khác như cá lóc, cá rô, cá trê, tôm…

Gần 900ha ao đang bị bỏ trống do người dân không có kinh phí để san lấp ao như hiện trạng ban đầu hoặc vẫn còn hy vọng giá cá giống tăng cao trở lại sẽ tiếp tục nuôi.

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, nhằm định hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả bền vững, quản lý tốt chất lượng cá tra giống, tạo đầu ra ổn định, Sở đang phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện rà soát lại các vùng nuôi cá tra giống theo hướng tập trung, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, ổn định lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định, từng bước xây dựng thương hiệu về chất lượng cá tra giống của tỉnh.

Tại các vùng này sẽ  tăng cường tập huấn, hướng dẫn các quy trình giải pháp kỹ thuật tiên tiến, mật độ thả nuôi phù hợp, sử dụng thuốc, hóa chất đúng theo quy định… để người nuôi có đủ thông tin và chủ động trong quá trình nuôi.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức liên kết sản xuất-tiêu thụ cá tra giống giữa người dân với các doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm để tạo đầu ra ổn định cho con giống.

Bênh cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương phối hợp với ngành tài nguyên và môi trường tăng cường quản lý môi trường, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp xử lý nước thải từ các ao nuôi cá nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Các địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định pháp luật.

Đối với các vùng nuôi không hiệu quả, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và có định hướng để người dân chuyển đổi hình thức sản xuất nông nghiệp phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục