Nước Anh trước vấn đề ra đi hay tiếp tục ở lại EU

Kết quả thăm dò mới đây cho thấy có tới 51% người được hỏi yêu cầu Vương quốc Anh ra khỏi EU, chỉ có 28% cho rằng nên ở lại.
Nước Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của Liên minh châu Âu (EU) ngày nay - vào năm 1973, nhưng đến nay, sau bốn thập niên gắn bó với EU, một bộ phận người dân Vương quốc Anh (Anh) thấy rằng mối quan hệ giữa nước Anh và EU không mang lại lợi ích cho quốc gia của họ, thậm chí còn có nguy cơ phải chịu lây ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính của khối.

Và từ một "đốm lửa nhỏ" ban đầu, vấn đề "đi hay ở lại EU" của "xứ sở sương mù" nay đã nóng lên, với việc EU cần phải bắt đầu suy nghĩ xem điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với tổ chức này trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng châu Âu đã khiến không ít nước phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng. Trong bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, nhiều nước không muốn thực hiện các nghĩa vụ trong liên minh, nhất là trong vấn đề cứu trợ các nước lâm vào khủng hoảng.

Tại Vương quốc Anh, kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy có tới 51% người được hỏi yêu cầu ra khỏi EU, chỉ có 28% cho rằng nên ở lại. Ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron cũng có 40% thành viên ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU. Nếu Anh rút khỏi EU không chỉ tác động đến nước Anh mà đến cả EU, thế giới, cũng như vai trò, quan hệ của London với phần còn lại của thế giới.

Với Vương quốc Anh

Xét ở một số góc độ, việc rời khỏi EU có thể giúp Anh nhanh chóng đạt được một số lợi ích như: tiết kiệm ngay khoảng 8 tỷ euro mỗi năm do không phải đóng góp vào ngân sách của liên minh; thoát khỏi chính sách nông nghiệp chung khiến giá thực phẩm của nước này có thể rẻ hơn, đồng thời nước này sẽ không phải lo lắng về thuế giao dịch tài chính và dần dần thoát khỏi các quy định tài chính châu Âu...

Tuy nhiên, ngoài những lợi ích đã thấy, Vương quốc Anh cũng sẽ phải chịu thua thiệt không ít. Việc kiểm soát chặt chẽ hơn các ngân hàng sẽ không còn và thị trường tài chính London có thể trở thành "đất thánh" của đầu cơ tài chính. Nước này sẽ phải hứng chịu những thiệt hại vô cùng lớn về chính trị cũng như kinh tế. Người nông dân Anh sẽ phải từ bỏ hàng tỷ tiền trợ giá của EU.

Các doanh nghiệp Anh phải đóng thuế nhập khẩu cao nếu họ muốn bán các sản phẩm của mình trong EU. Mối quan hệ giao dịch thương mại với thị trường EU - vốn chiếm tới một nửa kim ngạch xuất khẩu của nước Anh sẽ trở nên xấu đi. Các hãng sản xuất ô tô xem Anh như là cơ sở hoạt động ở châu Âu sẽ èo uột, kéo theo sự rời bỏ của các bộ phận lớn của ngành công nghiệp, dịch vụ và tài chính.

Ngoài ra, Anh sẽ phải đàm phán lại hàng chục thỏa thuận thương mại song phương ở một vị trí yếu thế hơn nhiều so với khi còn là thành viên của EU. Vai trò và vị trí của Anh cũng sẽ giảm đáng kể trên trường quốc tế

Một trong những nhân vật quyền lực nhất của châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Herman Van Rompuy, cho rằng Anh sẽ phá hỏng hình ảnh là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới cũng như các hợp đồng thương mại béo bở của mình nếu nước này quyết rời bỏ EU. Theo ông, một nước lớn như Anh - có nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, sẽ bị mất nhiều hơn nếu họ quyết định "đơn thương độc mã" trên thế giới này.

Thị trưởng London Roger Gifford cũng nói rằng, việc Anh rời khỏi EU có thể sẽ dẫn đến một cuộc đào tẩu của các ngân hàng nước ngoài hàng đầu ra khỏi nước này, đồng thời lấy đi vị trí thống trị của London trên các thị trường ngoại hối.

Thị trưởng London cho rằng khả năng Anh rời khỏi EU là một nguy cơ rõ ràng đối với London và đi ngược lại với truyền thống thương mại lịch sử 2.000 năm của thành phố này. Ông nói: "Có nguy cơ là các thị trường ngoại hối sẽ rời khỏi London, cũng như các ngân hàng lớn như JP Morgan, Citigroup, Deutsche, và tất cả các thể chế tài chính đang hoạt động rất mạnh tại đây với các dự án về tài chính, cơ cấu tài chính, môi giới hàng hóa và lĩnh vực pháp lý..."

London là nơi diễn ra hoạt động mua bán trên 30% trong tổng số 5 nghìn tỷ USD mỗi ngày trên thị trường ngoại hối toàn cầu và cho đến nay vẫn là trung tâm tài chính quan trọng nhất ở EU, cạnh tranh với New York của Mỹ danh hiệu thủ đô tài chính của thế giới.

Trong khi giới truyền thông vẫn gán cho hệ thống ngân hàng là "kẻ tội đồ" đứng sau cuộc khủng hoảng tài chính thì khu vực ngân hàng lại là nơi đóng góp tới khoảng 1/10 cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh. Nỗi lo về khả năng Anh rời bỏ EU đã khiến một số ngân hàng phải công khai lên tiếng, trong đó một nhà điều hành cấp cao của Goldman Sachs mới đây đã cảnh báo các ngân hàng châu Âu có thể sẽ rời bỏ Anh nếu nước này từ bỏ EU.

Các cuộc trưng cầu gần đây cũng cho thấy chỉ có một số nhỏ những người Anh tham gia bỏ phiếu là muốn rời bỏ EU - đối tác thương mại lớn nhất của Anh, mặc dù các đồng minh và các nhà đầu tư nói rằng bất cứ một sự đào thoát nào cũng sẽ làm hỏng hình ảnh và ảnh hưởng của Anh, đồng thời tước đi các khoản đầu tư vào nền kinh tế trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của nó.

Trong khi đó, những người đối lập cho rằng Anh nên hướng sang các thị trường đang nổi và phần còn lại của thế giới, chứ không phải là châu Âu. Gifford, nhà điều hành ngân hàng Thụy Điển Skandinaviska Enskilda Banken tại Anh, nói rằng thật sai lầm khi cho là nước Anh có thể hoạt động đơn độc bên ngoài EU và cho biết thêm có ít nhất tới 90% các thể chế tài chính lớn tại London muốn Anh ở lại EU.

Theo ông, nếu các cử tri bỏ phiếu ủng hộ Anh rời EU, thì liệu vùng Britain của nước Anh hay thành phố London có đơn độc trở thành một hòn đảo ở ngoài khơi giống như Vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda hay đảo Jersey (một hòn đảo ở cực nam Channel Islands của Anh có dân số hơn 90.000 người, diện tích hơn 116 km2) của nước này hay không? "Tôi cho rằng, đó không phải là một giải pháp thương mại hợp lý", ông Gifford bình luận.

Đối với EU

Việc Vương quốc Anh xem xét rút khỏi EU bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong lòng liên minh gồm 28 thành viên này, và có thể đẩy EU đi đến chỗ sụp đổ. Với sự ra đi của Anh, EU sẽ phải đối phó với ba nhóm thách thức sau: Trước hết là các vấn đề ngắn hạn liên quan đến việc thương lượng về sự ra đi của Anh. Mặc dù các hiệp ước của EU có điều khoản quy định việc rút khỏi tổ chức này, người ta vẫn không rõ phạm vi để đàm phán về sự ra đi của bất kỳ quốc gia thành viên nào, đặc biệt là Vương quốc Anh, quốc gia chiếm tới 12,5% dân số và 15% kinh tế của EU.

Việc ký kết một hiệp định từ bỏ tư cách thành viên đòi hỏi sự chấp thuận của Anh, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, trong đó Nghị viện châu Âu phải bỏ phiếu xem hiệp định đó có thể chấp nhận được với EU hay không. Điều này không có nghĩa là EU có quyền phủ quyết đối với quyết định ra đi của Anh mà chỉ là với điều kiện nào thì cơ quan này sẽ đảm bảo để có được một hiệp định, và đặc biệt là dạng quan hệ nào sẽ được theo đuổi sau khi Anh không còn là thành viên của EU.

Thứ hai là vào đúng vào thời điểm đàm phán với Anh, EU cũng sẽ phải bắt đầu thảo luận nội khối về cách thức thay đổi thể chế, ngân sách và vấn đề biểu quyết do sự biến mất của một trong những thành viên lớn nhất của mình. Những thay đổi như vậy, hiếm khi được nhất trí một cách dễ dàng, có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ EU, đồng thời thay đổi tính chất và đường lối của tổ chức này.

Các quốc gia như Thụy Điển và Hà Lan lo sợ sự thiếu vắng của môt nước lớn về tự do kinh tế sẽ khiến EU hướng mạnh hơn vào bên trong và quan tâm nhiều hơn đến chủ nghĩa bảo hộ. Các chính phủ của các nước lớn thì lo ngại sự biến mất của một thành viên lớn sẽ khiến các nước nhỏ có được tiếng nói trọng lượng hơn.

Trục Pháp - Đức có thể sẽ lung lay, để lại một nước Đức ngày càng chiếm ưu thế vượt trội. Đối với các quốc gia miền Bắc và miền Tây châu Âu, sự ra đi của Anh có thể làm dịch chuyển EU về phía Nam và phía Đông, gây lo ngại cho các quốc gia phía Bắc và phía Tây, đồng thời đặt dấu chấm hết cho khả năng mở rộng để kết nạp các quốc gia khác, như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn.

Tuy nhiên, với việc loại bỏ thành viên khó chịu nhất của mình, EU có thể dễ dàng tiến lên phía trước, hướng tới một "liên minh chặt chẽ hơn bao giờ hết". Một khi không còn quyền phủ quyết của Anh, đồng euro có thể được ổn định một cách dễ dàng hơn. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể trở thành cốt lõi không thể tranh cãi của EU, mở đường cho một liên minh chính trị và kinh tế.

Mô hình xã hội của châu Âu có thể sẽ được giải thoát khỏi những nỗ lực của Anh nhằm pha loãng nó. Quan hệ hợp tác về đối ngoại, an ninh và quốc phòng tuy bị suy yếu do thiếu Anh nhưng đồng thời lại được giải phóng khỏi những cản trở từ phía Anh để phát triển.

Cuối cùng, EU sẽ cần phải giải quyết những hệ quả từ sự ra đi của Anh. Sự nhất trí giữa EU và Anh ngoài EU sẽ là vấn đề hết sức quan trọng. Nó có thể dẫn đến sự thay đổi đối với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Anh có thể sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm tạo ra một kiểu "Câu lạc bộ thị trường duy nhất". Quốc gia này thậm chí có thể ra khỏi EEA.

Nếu Anh phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU và đồng euro tiếp tục chật vật thì vị thế của Anh có thể khiến các nước thành viên khác đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu. Còn nếu sau khi rời khỏi EU, Anh gặp phải khó khăn trong khi EU và khu vực Eurozone phát triển ổn định thì Anh có thể sẽ lâm vào thế cô lập, với phần còn lại của thế giới tiếp tục quan hệ với một châu Âu thống nhất hơn, nơi vị thế của Anh lúc này sẽ trở nên thấp bé.

Trong khi đó, Mỹ và các siêu cường khác có thể sẽ nhìn nhận sự rút lui của Anh như một dấu hiệu về sự chia rẽ và suy yếu của châu Âu. Sự hợp tác về quốc phòng của châu Âu có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, dù trong khuôn khổ NATO hay trong khuôn khổ EU. EU cũng sẽ phải đối mặt với một nước Anh tuy là một cường quốc suy yếu nhưng vẫn đủ mạnh để có thể tìm kiếm ảnh hưởng đối với sự phát triển của khối này.

Các chính trị gia nghĩ gì?

Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nếu Anh từ bỏ EU sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định về lâu dài của châu Âu cũng như kinh tế thế giới. Vương quốc Anh cần phải tiếp tục là một phần của EU.

Thủ tướng Ireland Enda Kenny: Vương quốc Anh sẽ vẫn là trung tâm của EU và liên minh này sẽ trở nên mạnh hơn nếu nước này vẫn là một phần trong đó.

Thủ tướng Italy Mario Monti: Quay lưng lại với EU đồng nghĩa với việc đánh mất nhiều lợi ích kinh tế. Không một quốc gia đơn lẻ nào tại châu Âu, kể cả những nước lớn nhất, có thể giữ được đà tăng trưởng hoặc khôi phục tăng trưởng, nếu các chính sách của EU không hướng đến tăng trưởng”.
Ông Guy Verhofstadt, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ đảng Tự do trong Nghị viện châu Âu: Thủ tướng Anh đang "đùa với lửa."

Tổng thống Pháp Francois Hollande: Nước Anh có thể hoàn toàn quyết định việc đi hay ở lại EU thông qua trưng cầu ý dân, song quan hệ của Anh với EU chưa đến mức phải thương lượng lại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sẵn sàng lắng nghe "những mong muốn" của ông Cameron. Song theo bà, "mọi người phải ghi nhớ rằng các nước khác cũng có những nguyện vọng khác".

Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron cho rằng nước Anh hiện cần phải ưu tiên “xử lý sự bất ổn và hỗn loạn” đang có tác động rộng khắp khu vực Eurozone, hơn là cân nhắc đến mối quan hệ với các nước láng giềng. Ông cũng cho rằng sự thất vọng đối với EU đã "lên đến mức đỉnh điểm" và nhất thiết phải thay đổi triệt để cách thức hoạt động của liên minh này. Ông cảnh báo nếu không có sự cải cách, Anh sẽ ra khỏi EU.

Ông cũng cam kết từ nay đến năm 2017 sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh có nên tiếp tục ở lại EU (đã được cải tổ) hay không? Tuy nhiên, Thủ tướng Anh trước hết phải tái đắc cử vào năm 2015 để mới có thể tổ chức được cuộc trưng cầu dân ý này.

Cho đến nay chưa có quốc gia nào rút khỏi khối EU, ngoài một số trường hợp là các vùng lãnh thổ trực thuộc các nước thành viên hay các khu vực tự trị xin rời khỏi khối EU, như Greenland của Đan Mạch và Saint Barthélemy của Pháp./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục