Nước Mỹ cần làm gì để tái phục hồi các thể chế đa phương?

Giới phân tích cho rằng một mình ông Joe Biden sẽ khó có thể cứu vãn được chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, nếu nước Mỹ xoay chuyển bốn chính sách lớn thì điều đó sẽ khiến Liên hợp quốc có thể hồi sinh.
Nước Mỹ cần làm gì để tái phục hồi các thể chế đa phương? ảnh 1Quyết định của Mỹ về rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã gây nhiều tranh luận. (Nguồn: Al Jazeera)

Hơn bốn năm qua, quan hệ của nước Mỹ với Liên hợp quốc đã trải qua khá nhiều sóng gió bởi Mỹ đã cản trở, rút khỏi hoặc đe dọa rút khỏi một số thỏa thuận, tiến trình và các tổ chức đa phương có tầm quan trọng nhất tại đây.

Các ví dụ điển hình có thể kể đến như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vậy, với việc ứng cử viên Joe Biden gần như chắc chắn sẽ trở thành tân Tổng thống của nước Mỹ, các nhà phân tích nhìn nhận ra sao về khả năng hồi sinh của Liên hợp quốc? Phân tích của Tạp chính Chính trị Thế giới trong bài "Four ways Biden can reinvigorate the UN" số ra ngày 2/12/2020 sẽ nhận định về vấn đề này.

Thực tế, không chỉ có nước Mỹ rút khỏi cơ chế đa phương. Nhiều nước lớn và tầm trung cũng đã xa rời các tổ chức đa phương và theo đuổi chủ nghĩa dân tộc của họ. Điều này khiến nguy cơ xung đột trực diện giữa các nước bị đẩy lên cao hơn, đồng thời khiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gần như tê liệt.

Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng một mình ông Joe Biden sẽ khó có thể cứu vãn được chủ nghĩa đa phương. Tuy nhiên, nếu nước Mỹ xoay chuyển bốn chính sách lớn thì chắc chắn điều đó sẽ khiến Liên hợp quốc có thể hồi sinh đúng vào lúc mà sự hợp tác quốc tế cần hơn bao giờ hết.

[Trở lại Hiệp định Paris 2015: Thách thức với nước Mỹ và ông Biden]

Thứ nhất, ông Biden đã phát tín hiệu ông sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và điều này cũng phù hợp với lời kêu gọi của chính ông về một cuộc cách mạng năng lượng sạch.

Đây là bước đi quan trọng để phục hồi điều mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã gọi là ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc và cũng là vấn đề cấp thiết để các nước khác cùng có trách nhiệm thực hiện các cam kết của họ trong thỏa thuận.

Dù vậy, chính quyền của ông Biden có thể làm được hơn thế nữa. Đó là thúc đẩy nhiều mục tiêu tham vọng hơn về chống biến đổi khí hậu, bắt đầu từ chính trong nước Mỹ.

Thông qua việc kết hợp đưa những cam kết trong thỏa thuận Paris hồi năm 2015 vào các chính sách đối ngoại và thương mại của nước Mỹ, ví dụ như buộc những "thủ phạm" xả thải lớn phải đáp ứng những yêu cầu do Mỹ đặt ra nếu không sẽ bị áp thuế cao, ông Biden có thể khiến việc thực thi thỏa thuận này mang lại những hiệu quả thực chất.

Ngược lại, chính sách đó cũng sẽ phát đi thông điệp rằng nước Mỹ sẵn sàng dùng ảnh hưởng quốc gia của mình để củng cố các cơ cấu đa phương, trao quyền cho các tổ chức quan trọng khác như Tổ chức Y tế Thế giới vốn đã bị suy yếu dưới thời ông Trump.

Thứ hai, tập trung giải quyết vấn đề bất bình đẳng. Bốn năm dưới thời Tổng thống Trump, nước Mỹ đã chứng kiến nhiều phong trào nổi dậy kêu gọi bình đẳng xã hội, như phong trào MeToo (tôi cũng thế) Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen đáng giá) và điều này phản ánh đúng những gì mà Liên hợp quốc đã chỉ ra đó là sự bất bình đẳng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng mất ổn định trên thế giới.

Ngoài việc đáp ứng đòi hỏi trong nước về một xã hội có công lý và hòa nhập sắc tộc, chính quyền của ông Biden cũng cần phải coi bình đẳng là nền tảng để Mỹ trở lại đúng vai trò của mình tại Liên hợp quốc, thúc đẩy để Liên hợp quốc tham gia nhiều hơn vào giải quyết vấn đề như khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo hay những thiệt thòi mà phụ nữ và thanh niên đang phải gánh chịu.

Để làm được như vậy, ông Biden sẽ phải có những bước đi cụ thể để đảo ngược các quyết định của ông Trump trong bốn năm vừa qua, ví dụ như ngừng phong tỏa tài trợ cho Quỹ Dân số Liên hợp quốc là tổ chức chuyên chăm sóc, cứu sống những phụ nữ yếu thế, bị tổn thương; tiếp tục ủng hộ Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc chuyên chăm sóc sức khỏe cơ bản, cứu trợ lương thực và cung cấp các dịch vụ thiết yếu khác cho hàng triệu người dân Palestine.

Thứ ba, chính quyền ông Biden phải vượt qua được những gì đã làm dưới thời Obama. Hiện thế giới có quá nhiều đổi thay kể từ khi cựu Tổng thống Obama rời Nhà Trắng.

Về cơ bản, ông Biden sẽ tiếp tục những chính sách thời Tổng thống Obama và hiện ông cũng đã công bố một số gương mặt quen thuộc từ thời ông Obama cho Nội các mới sắp tới. Điều này đáng hoan nghênh song cũng tạo ra nguy cơ đưa nước Mỹ quay trở lại tư duy thời Obama trong khi thế giới đang không ngừng biến đổi từng ngày.

Việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran có lẽ là bước đi vừa khả thi vừa hữu ích hiện nay nhưng chính quyền Mỹ mới cũng cần thận trọng khi áp dụng những chính sách, đường hướng từ thời Tổng thống Obama vào những nơi bị chiến tranh, xung đột tàn phá đã lâu như Libya hay Afghanistan.

Trong vấn đề can thiệp các cuộc khủng hoảng nói chung, ông Biden sẽ thấy rằng các diễn đàn xây dựng liên minh đa phương, nhất là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, quá chia rẽ nên không giúp được nhiều cho ông.

Về vấn đề Trung Quốc, ông Biden hiện kế thừa một Chính phủ Mỹ có tầm ảnh hưởng ít hơn tại Liên hợp quốc trong khi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh gia tăng đáng kể trong bốn năm vừa qua, kể cả trong những lĩnh vực chủ chốt như gìn giữ hòa bình và an ninh.

Chính vì vậy, Mỹ sẽ phải khéo léo gạt bỏ những bất đồng trong bốn năm qua mà vẫn đảm bảo giữ vững được quan điểm cứng rắn trong vấn đề nhân quyền. Đồng thời, Mỹ cũng cần phải tìm ra tiếng nói chung với Hội đồng Bảo an để có thể phá được sự tê liệt tại đây - sự tê liệt đã khiến cơ quan này không can thiệp được môt cách hiệu quả vào việc giải quyết đại dịch COVID-19 toàn cầu cũng như thực thi lệnh ngừng bắn toàn cầu theo lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Thứ tư, hướng tới tư duy cùng lãnh đạo. Trên thực tế, Mỹ không phải là nước duy nhất phải chịu trách nhiệm về sự tê liệt của Hội đồng Bảo an mà đó còn là bởi Nga và Trung Quốc cũng chỉ muốn bảo vệ lợi ích của họ.

Nhưng nếu chính quyền ông Biden thúc đẩy để Hội đồng Bảo an giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, quyền con người, sức khỏe con người thì điều đó cũng sẽ củng cố được sức mạnh của Hội đồng Bảo an.

Thay bằng việc đưa Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt tại Liên hợp quốc, chính quyền của ông Biden có thể tìm kiếm và hợp tác với nhiều nhóm tác nhân ở các cấp độ khác nhau để đạt được các mục tiêu trong chính sách của Mỹ.

Nói tóm lại, thách thức quan trọng nhất của ông Biden trong việc tái phục hồi Liên hợp quốc cũng giống như thách thức mà ông đang phải đối mặt trong nước Mỹ: Đó là chuyển đổi các cơ chế/các tổ chức đã bị rạn nứt sâu sắc, bị mất bình đẳng nặng nề để các cơ quan này có thể phụng sự người dân tốt hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục