Cứng rắn với Trung Quốc?

Obama cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2?

Theo giới phân tích, trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu tiên vào Nhà Trắng, nhà lãnh đạo từng tranh cử với thông điệp về hy vọng và thay đổi này đã kêu gọi một thời đại mới trong hợp tác giữa Mỹ và một Trung Quốc đang lên. Bốn năm sau, ông Obama đang bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai khi chính phủ của ông có giọng điệu cứng rắn về Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và đồng minh Nhật Bản của Mỹ, gây ra phản ứng từ Bắc Kinh ngay trước lễ nhậm chức của ông. Theo AFP, bước chuyển biến này đánh dấu sự thay đổi dần dần trong chính sách của ông Obama với Trung Quốc mà một số nhà phân tích cho rằng trở nên thận trọng hơn vì lo ngại nước Mỹ sẽ mất dần ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, vừa có cuộc gặp ngày 18/1 với người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, bộ trưởng ngoại giao của chính quyền thiên hữu mới ở Nhật, đã ra một thông điệp cảnh cáo Trung Quốc về quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Theo đó, Mỹ phản đối “bất cứ hành động đơn phương nào làm suy giảm quyền quản trị của Nhật Bản” đối với quần đảo không người ở này sau khi ngày càng nhiều tàu và máy bay của chính quyền Trung Quốc xuất hiện trong vùng. Trung Quốc đáp lại rằng họ “hết sức không hài lòng và phản đối mạnh mẽ” những nhận xét của bà Clinton và hãng tin Tân Hoa xã nói ông Obama “đã thất bại trong việc tăng cường đáng kể sự tin cậy chiến lược” giữa hai nước trong nhiệm kỳ đầu. Ba nước đã có giọng điệu mềm mỏng hơn kể từ 18/1, khi Tân Hoa xã nói Trung Quốc “lạc quan thận trọng” về nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được cho là có quan điểm cứng rắn, đã nhờ nhà lãnh đạo có quan điểm ôn hòa của đảng liên minh với ông là đảng Công minh Mới, chuyển một bức thư tận tay Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói “không có gì mới” trong những nhận xét của bà Clinton. Mỹ trước đó đã nói rõ họ không đứng về phía nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng coi quần đảo này trên thực tế thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, vì vậy nằm trong khuôn khổ hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Nhưng Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho rằng tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc từ Mỹ là một bước chuyển biến. “Chính phủ (Mỹ) trong vài tháng qua đã lên tiếng khuyến cáo hai bên kềm chế,” bà nói. “Quan điểm cá nhân của tôi là chúng ta đã thấy nhiều sự kềm chế từ Nhật hơn so với từ Trung Quốc. Tôi cho rằng Trung Quốc đang tận dụng mọi cơ hội để làm căng thẳng thêm tình hình và gia tăng những tuyên bố chủ quyền của họ.”
Obama cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2? ảnh 1
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ra tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Fumio Kishida hôm 18/1 (Nguồn: AFP)
Bà Clinton cho tới nay luôn dẫn đầu mặt trận hướng sự tập trung chính sách đối ngoại của Mỹ sang châu Á. Trong một động thái mang tính biểu tượng về quan điểm thay đổi của Mỹ về Trung Quốc, bà tuyên bố trong chuyến thăm Đông Nam Á năm 2010 rằng Mỹ có “lợi ích cốt lõi” đối với tự do hàng hải trên biển Đông, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng trong khu vực. Thượng nghị sĩ John Kerry, đề cử của ông Obama cho ghế bộ trưởng ngoại giao thay bà Clinton, có nhiều kinh nghiệm hơn với Nam Á, Trung Đông và châu Phi, khiến một số chuyên gia cho rằng chính sách Đông Á vẫn sẽ ở trong tay Nhà Trắng. Ông Kerry sẽ trình bày những ý tưởng ngoại giao chính của ông trong buổi điều trần xác nhận cương vị cho ông vào ngày 21/1 theo giờ Mỹ./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục