Pháp dỡ bỏ trại tị nạn ở miền Bắc trong khi đang căng thẳng với Anh

Cảnh sát Pháp dỡ bỏ một trại tị nạn ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, từng là nơi tạm trú của khoảng 1.000 người đang nuôi hy vọng vượt biển đến Vương quốc Anh.
Pháp dỡ bỏ trại tị nạn ở miền Bắc trong khi đang căng thẳng với Anh ảnh 1Cảnh sát Pháp tại trại tị nạn ở Grande-Synthe. (Nguồn: AP)

Ngày 16/11, cảnh sát Pháp đã dỡ bỏ một trại tị nạn lớn, từng là nơi tạm trú của khoảng 1.000 người đang nuôi hy vọng vượt biển đến Vương quốc Anh.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh London và Paris đang căng thẳng liên quan các vấn đề quanh Eo biển Manche.

Một số lượng kỷ lục người di cư đã vượt Eo biển Manche trên những con thuyền nhỏ ngày 11/11 vừa qua (theo số liệu của Anh là 1.185 người). Chính phủ Anh mô tả tình trạng này là "không thể chấp nhận được."

Sau một cuộc hội đàm ngày 15/11 với người đồng cấp Anh Priti Patel, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 16/11 thông báo đã ra lệnh cho cảnh sát dỡ bỏ một trại tị nạn ở Grande-Synthe, gần cảng Dunkirk, một trong những điểm chính để khởi hành đi Anh.

Các trại tị nạn ở Calais và Dunkirk là nơi người di cư ở tạm trong khi chờ cơ hội xin tị nạn vào Pháp hoặc chờ được chuyển đến một nơi ở khác. Nhưng nhiều người đã bị từ chối đơn tị nạn vì bày tỏ nguyện vọng tiếp tục hành trình sang Anh.

Quan hệ Anh-Pháp đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do một loạt những bất đồng trong nhiều vấn đề, từ người di cư đến quyền đánh cá ở Eo biển Manche, cũng như một hợp đồng tàu ngầm với Australia.

[Lực lượng chức năng Pháp giải cứu hơn 400 người tại Eo biển Manche]

Eo biển Manche là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Từ năm 2018 đến nay, hoạt động vượt biên trái phép qua eo biển Manche đã tăng cao bất chấp những cảnh báo được giới chức Pháp đưa ra nhiều lần về hành trình đầy nguy hiểm này, nước băng giá và dòng chảy mạnh.

Hồi tháng Bảy vừa qua, Pháp và Anh đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi số lượng cảnh sát tuần tra các bờ biển. Anh cũng cam kết chi 62,7 triệu euro (73,8 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2022 để giúp Pháp ngăn dòng người vượt biên trái phép.

Trong khi đó, phía Pháp đề xuất sửa đổi các quy chế tị nạn, áp đặt các án tù nghiêm khắc hơn đối với các đối tượng buôn người và đối với chính những người vượt biên bất hợp pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục