Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp, hiện đại

Quảng Ninh xác định diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư khoảng 9.360ha, chiếm 20,2% tổng diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Quảng Ninh ưu tiên thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp, hiện đại ảnh 1Mô hình nuôi biển của Công ty cổ phần Tập đoàn STP Group tại ở trại đảo Phất Cờ (Quảng Ninh). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quảng Ninh đang tập trung phát triển chuỗi các nông sản chủ lực, thu hút đầu tư trong phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi trồng xa bờ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh xác định diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư nuôi trồng thủy sản khoảng 9.360ha, chiếm 20,2% tổng diện tích quy hoạch nuôi trồng thủy sản.

Để phát triển kinh tế thủy sản bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi và môi trường biển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Minh Sơn cho hay trong tháng 3 và tháng 4/2023, Sở đã báo cáo xin ý kiến tham vấn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Nuôi biển cùng 20 doanh nghiệp lớn có nhu cầu đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản biển với mục tiêu: Tập trung rà soát xây dựng phương án giao khu vực biển, ưu tiên thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác xã tại các khu vực có khả năng thuận lợi nhất cho nuôi trồng, thu hoạch, chế biến thủy sản để thu hút người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, có cuộc sống dựa vào khai thác, nuôi trồng thủy sản để đầu tư, sản xuất kinh doanh thủy sản; thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính, trình độ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, có khả năng đứng đầu chuỗi sản xuất, làm hạt nhân dẫn dắt tại các vùng biển khai thác dự án để thu hút đầu tư.

Đến nay Sở đã phối hợp với các địa phương xác định diện tích khu vực biển dự kiến thu hút đầu tư khoảng 9.360ha. Trong số đó, có 5 dự án lớn gồm dự án nuôi biển hiện đại kết hợp với trải nghiệm tại Vịnh Hạ Long, diện tích 150ha, tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng; dự án nuôi biển công nghiệp hiện đại kết hơp với trải nghiệm tại khu 2, phường Cẩm Đông và Cẩm Tây (thành phố Cẩm Phả), diện tích 515ha, vốn đầu tư 15 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Trường Phát đề xuất; dự án nuôi biển đa canh, đa giá trị ứng dụng công nghệ hiện đại và tích hợp trải nghiệm tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn), diện tích 132ha, do Công ty cổ phần STP AQua Quảng Ninh đề xuất; dự án nuôi hàu Thái Bình Dương và rong sụn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phía Tây đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) của Công ty cổ phần Tân An và dự án trại sản xuất và nuôi hải sâm tại xã Thanh Lân (huyện Cô Tô), diện tích 10ha, do Công ty cổ phần Hải Sâm Cô Tô đề xuất.

[Ngư dân Quảng Ninh bộn bề lo toan làm mới nghề nuôi trồng thủy sản]

Ngoài ra, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thu hút các nhà đầu tư quan tâm đối với 4 dự án có trong danh mục thu hút đầu tư của tỉnh năm 2022 gồm dự án tổ hợp sản xuất giống, nuôi biển công nghệ cao và chế biến thuỷ hải sản tập trung tại xã Đường Hoa (huyện Hải Hà); khu nuôi trồng thủy sản trên biển xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà); khu nuôi trồng thủy sản trên biển xã Đại Bình (huyện Đầm Hà) và dự án khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản tại đảo Vạn Vược (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Sơn, khó khăn nhất hiện nay là các địa phương còn trông chờ vào hệ thống bản đồ theo Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050."

Bên cạnh đó, một số dự án nằm ngoài vùng 6 hải lý hoặc nằm trong vùng đệm Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long thuộc thẩm quyền của Trung ương nên khó khăn cho các nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, các địa phương hiện nay đang thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật về sức tải môi trường, mật độ, năng suất, sản lượng nuôi biển, kết cấu lồng bè nuôi nên khó khăn cho việc thẩm định dự án nuôi trồng thủy sản trên biển.

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trên cho các nhà đầu tư, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn các địa phương khoanh vùng, phân ranh giới hoặc lập sơ đồ không gian biển chi tiết, tạo mặt bằng sạch, rà soát danh mục, xác nhận thống nhất các khu vực dành để thu hút đầu tư nuôi biển công nghiệp, hiện đại.

Ngành cũng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng hướng dẫn liên ngành để ban hành các biểu mẫu, trình tự hồ sơ cấp phép nuôi biển đăng ký mã cơ sở nuôi; hướng dẫn sản xuất theo mô hình hợp tác xã, mô hình sinh kế với hộ sản xuất quy mô dưới 1ha, hướng dẫn các tổ chức tham gia tổ chức sản xuất lớn, hiện đại, dẫn dắt chuỗi giá trị nhuyễn thể, cá biển, rong biển.

Các dự án đã có đề xuất, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ nhà đầu tư khảo sát thực địa, rà soát hồ sơ, trình tự thủ tục tham mưu báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đối với các dự án nằm trong vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, ngành sẽ phối hợp với thành phố Hạ Long, huyện Vân Đồn, Ban Quản lý Vịnh; Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Thủ tướng khu vực nuôi biển trong vùng đệm Di sản để phát huy kinh tế thủy sản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục