Quy hoạch bến xe Hà Nội đã tính đến kết nối xe buýt, đường sắt đô thị

Các bến xe khách Hà Nội xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo khả năng trung chuyển.
Quy hoạch bến xe Hà Nội đã tính đến kết nối xe buýt, đường sắt đô thị ảnh 1Xe khách hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, ở thành phố Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là dài hơi và bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ vào thành phố, đảm bảo tính kết nối giữa các loại hình trung chuyển.

Tránh để mất những “mảnh đất vàng”

Theo Quyết định số 1218/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các bến xe hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) gồm Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có.

Về lâu dài, các bến xe trên sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến xe Nội Bài, bến Phùng, bến phía Nam...).

Quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Trong giai đoạn trung hạn, xây dựng bến Yên Sở (diện tích khoảng 3,2ha) theo dự án đầu tư được duyệt.

Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng việc lựa chọn vị trí các bến xe được xác định trên cơ sở phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô; các đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện, đô thị vệ tinh; các quy hoạch phân khu đô thị.

“Các bến xe được quy hoạch có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiên giao thông công cộng phục vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai,” ông Bảo nhấn mạnh.

[Quy hoạch Hà Nội phải thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển]

Đánh giá quy hoạch bến xe trên là khá phù hợp với đô thị Hà Nội hiện nay, tiến sỹ Phạm Hoài Chung, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực quy hoạch giao thông cho hay, khi di dời bến xe ra khỏi khu vực nội đô thì phải giữ bằng được các quỹ đất của bến xe cũ đó để phục vụ cho hoạt động vận tải công cộng của đô thị.

“Bến xe được giữ lại và chuyển công năng bãi đỗ xe thì không thể chuyển đổi mục địch đó sang mục tiêu khác như xây dựng thêm các khu chung cư hay trung tâm thương mại, để tránh làm gia tăng mật độ người và phương tiện, gây tăng thêm tình trạng ùn tắc giao thông,” ông Chung góp ý.

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải quả quyết cần phải ngăn chặn ý đồ muốn tận dụng các vị trí đắc địa của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng bởi đã có nhiều “mảnh đất vàng” dành cho giao thông đã biến thành các chung cư, khách sạn, nhà hàng.

Đảm bảo tính kết nối trung chuyển

Nhiều chuyên gia giao thông cũng đưa ra ý kiến cho rằng việc đẩy bến xe ra xa khu vực ngoài đô thị sẽ là yếu tố rất bất lợi đối với hành khách (mất thêm thời gian và chi phí để khách tiếp cận phương tiện), lại là cơ hội để tình trạng “xe dù, bến cóc” tràn vào các khu trung tâm, gây mất ổn định trật tự giao thông.

Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết nếu đẩy các bến xe ra ngoài, người dân nội thành muốn đi các tỉnh và ngược lại sẽ phải đi lại, di chuyển bằng xe cá nhân, xe taxi và phương tiện vận tải công cộng.

Vì thế, ông Tạo đưa ra chính kiến, Hà Nội không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra Vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Có góc nhìn khác, ông Phạm Hoài Chung cho rằng, khi bến xe chuyển đi, vận tải hành khách công cộng sẽ có cơ hội phát triển để kết nối, giải quyết nhu cầu đi lại cho khách. Do đó, Hà Nội cần có dịch vụ vận tải khách nội đô bằng các tuyến buýt chất lượng, thuận tiện cho người dân.

“Nếu vẫn để bến xe trong trung tâm, mà lại không có phát triển công cộng, đồng thời tiếp tục cho phương tiện cá nhân phát triển thì mô hình chung, mật độ phương tiện sẽ ngày càng cao trong đô thị lõi, ùn tắc càng ngày nghiêm trọng,” ông Chung nói.

[Hà Nội không nên ‘bốc’ tất cả các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4]

Về vấn đề này, theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc định hướng kết nối các loại hình giao thông công cộng tại các bến xe khách liên tỉnh đã được xác định ngay trong quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch.

Cụ thể, các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại; bố trí các bãi đỗ xe công cộng phục vụ cho hành khách chuyển đổi loại hình phương tiện vận chuyển từ xe cá nhân sang đi phương tiện giao thông công cộng.

Để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe đã được quy hoạch, Hà Nội tăng cường công tác giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai dự án của các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; đối với những dự án chậm triển khai mà nguyên nhân thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư sẽ triển khai các thủ tục thu hồi dự án theo quy định.

“Thành phố tiếp tục duy trì công bố danh mục kêu gọi đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường giao thông để kết nối giao thông cho hệ thống mạng lưới giao thông tĩnh (đặc biệt là các bến xe và các đầu mối giao thông); cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng,” ông Bảo nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục