RCEP: Indonesia sẽ bỏ một số mặt hàng khỏi cam kết dỡ bỏ thuế quan

Indonesia quyết định loại trừ gạo ra khỏi cam kết thuế quan của chính phủ nhằm bảo vệ khoảng 14 triệu nông dân trồng lúa - nhóm nông dân sản xuất nhỏ lớn nhất trong ngành nông nghiệp nước này.
RCEP: Indonesia sẽ bỏ một số mặt hàng khỏi cam kết dỡ bỏ thuế quan ảnh 1Nông dân Indonesia đang thu hoạch lúa. (Nguồn: www.gettyimages.in)

Indonesia có kế hoạch loại bỏ các mặt hàng “nhạy cảm” như gạo, vũ khí và đồ uống có cồn ra khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan được dự kiến trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Tổng cục trưởng Đàm phán thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia Iman Pambagyo cho biết: “Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi luôn coi là rất nhạy cảm đối với Indonesia."

Hôm 15/11, Indonesia đã cùng với 9 quốc gia thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã ký kết RCEP. Các nước tham gia thỏa thuận quan trọng này chiếm gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu.

Trích dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), Bộ Thương mại Indonesia cho biết các nước RCEP chiếm 61,6% xuất khẩu của Indonesia và 71,3% nhập khẩu của nước này trong năm 2019.

Hôm 15/11, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto khẳng định rằng RCEP được coi là cần thiết trong bối cảnh thách thức thương mại toàn cầu từ "thương chiến" Mỹ-Trung ảnh hưởng tới niềm tin vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gia tăng cạnh tranh trên các thị trường mới và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Indonesia đã cam kết xóa bỏ 91% dòng thuế trong những năm tới trong khuôn khổ RCEP, trong khi gạo, vũ khí và đồ uống có cồn nằm trong số 9% dòng thuế bị loại khỏi thỏa thuận.

Để so sánh, Indonesia đã xóa bỏ 93% dòng thuế theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA); 92% dòng thuế theo Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA).

[Đàm phán RCEP: Nhật Bản sẽ vẫn áp thuế lên các nông sản nhạy cảm]

Giáo sư nông nghiệp Dwi Andreas Sentosa thuộc Đại học IPB cho biết quyết định loại trừ gạo ra khỏi cam kết thuế quan của chính phủ nhằm bảo vệ khoảng 14 triệu nông dân trồng lúa - nhóm nông dân sản xuất nhỏ lớn nhất trong ngành nông nghiệp.

Ông Dwi nói thêm rằng nhiều nông dân trồng lúa có quy mô nhỏ từ 0,2-0,3ha đất, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước là 0,7ha. Do vậy, nếu mở cửa tự do thương mại đối với gạo, điều đó sẽ gây hại cho nông dân Indonesia do chênh lệch giá trong nước và quốc tế là tương đối cao.

Ông Dwi cho biết, trong khi 2/3 nông dân sản xuất nhỏ là “tự cung tự cấp,” việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với gạo có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn là buộc nông dân trồng lúa tại Indonesia ngừng canh tác.

Bộ Nông nghiệp Indonesia ước tính thặng dư gạo năm nay ước đạt 6-7 triệu tấn. Cộng với nguồn cung còn lại, dự kiến sản lượng vụ thu hoạch từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021 đủ để đáp ứng mức nhu cầu tiêu thụ trong nước là 15 triệu tấn trong nửa đầu năm 2021.

Theo ông Iman, bên cạnh việc tự do hóa thương mại hàng hóa trong khuôn khổ RCEP, Indonesia cũng cam kết mở cửa thương mại trong 104 phân ngành dịch vụ.

Các quốc gia ASEAN cam kết tự do hóa trung bình từ 100 đến 115 phân ngành dịch vụ, trong khi 5 đối tác còn lại là từ 100 đến 138 phân ngành dịch vụ, bao gồm các dịch vụ tài chính và viễn thông.

Chương 8 của RCEP nêu rõ các điều khoản về việc loại bỏ các biện pháp hạn chế và phân biệt đối xử, bao gồm các quy tắc về tiếp cận thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục