Rút quân khỏi Afghanistan: Lựa chọn khả dĩ nhất của Mỹ?

Việc kéo dài một cuộc chiến không có hồi kết có lẽ là lựa chọn tồi tệ nhất mà Washington phải đối mặt. Trong trường hợp này, giải pháp chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất.
Rút quân khỏi Afghanistan: Lựa chọn khả dĩ nhất của Mỹ? ảnh 1Binh sỹ Mỹ tuần tra tại sân bay thành phố Kandahar, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, đến nay, đã có không ít bài bình luận trên các phương tiện truyền thông Mỹ về quyết định rút quân mới đây của Tổng thống Joe Biden khỏi Afghanistan, theo đó, chậm nhất là ngày 1/9, Mỹ sẽ hoàn tất cuộc rút quân này, thậm chí còn có thể sớm hơn.

Washington sẽ chỉ duy trì tối đa khoảng 650 quân nhân ở thủ đô Kabul để bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại đây. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã đồng ý triển khai một số lượng lính chưa xác định để bảo vệ sân bay của Kabul.

Những ý kiến chỉ trích về quyết định của Biden có liên quan đến hàng loạt luận điểm quen thuộc. Khi binh lính và quân nhân Mỹ rút đi, lực lượng an ninh Afghanistan sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ của không quân Mỹ, lực lượng không quân non trẻ của quốc gia Nam Á này sẽ không còn các nhà thầu phụ trách các máy bay cho họ. Hậu quả là các tay súng Taliban sẽ áp đảo lính bộ binh của Afghanistan.

Theo đó, Taliban sẽ lần lượt chiếm được các tỉnh của Afghanistan và không lâu sau đó, họ sẽ tiến đến ngoại ô Kabul, khiến chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani gặp nguy hiểm.

Tệ hơn nữa, giới phê bình cho rằng khi Taliban kiểm soát được phần lớn các vùng nông thôn và thành phố, họ sẽ phá hủy những thành quả rất khó khăn mới đạt được trong suốt 20 năm qua, làm suy yếu quyền lợi của phụ nữ và các cộng đồng thiểu số, đồng thời bóp nghẹt mọi hình thức thể hiện sự bất đồng chính kiến.

Rất khó để loại trừ kịch bản thảm khốc mà giới phê bình đặt ra trên đây. Sự phản đối của họ đối với việc đảo ngược tình cảnh này là do Taliban rất khó có khả năng từ bỏ tư duy suy đồi của họ.

[Tổng thống Afghanistan và Ngoại trưởng Mỹ thảo luận về việc rút quân]

Điều mà các nhà phê bình không giải quyết được là họ định nghĩa chiến thắng là gì và làm thế nào để giành được chiến thắng này? Họ không có một câu trả lời rõ ràng nào cho câu hỏi trên.

Trong trường hợp khả quan nhất, giới phê bình cho rằng Mỹ đáng lẽ nên có những điều khoản tốt hơn đối với công tác huấn luyện binh lính Afghanistan sử dụng các trang bị quân sự để lại, rằng Mỹ không cần phải rút quân quá nhanh, còn Taliban cần đưa ra những cam kết cụ thể hơn về việc chia sẻ quyền lực tại các cuộc đàm phán Doha.

Trong trường hợp xấu nhất, các nhà phê bình, đặc biệt là những người theo phe cánh hữu, chỉ đơn giản kêu gọi Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự.

Việc yêu cầu Mỹ chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc rút quân, đặc biệt là đào tạo bài bản hơn cho các kỹ thuật viên quân sự và cơ khí, có lẽ là một đề xuất chính đáng.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng sự chuẩn bị này có thể khiến lực lượng quân đội đủ sức chống lại Taliban trở thành “một điều hão huyền.”

Hiện chưa rõ việc Mỹ chia quá trình rút quân thành nhiều giai đoạn hơn, vốn được coi là một chiến lược ưu tiên khác, có tạo ra một kết quả hoàn toàn khác hay không. Xét cho cùng, dù sao lực lượng Mỹ tại Afghanistan cũng đã giảm trong vài năm qua.

Trên thực tế, các chuyên gia đàm phán của Donald Trump đáng lẽ đã có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn ở Doha. Tuy nhiên, đó cũng là những quân bài mà Joe Biden được thừa hưởng, ông hầu như không phải chịu trách nhiệm cho những gì mình đang có.

Cuối cùng, quan điểm của phe cánh hữu - rằng Mỹ nên duy trì sự hiện diện quân sự ở Afghanistan trong tương lai gần - không khác gì một hành động ngu ngốc: sau 2 thập kỷ chiến tranh, tại sao những người ủng hộ quan điểm này vẫn tin rằng việc duy trì hiện diện quân sự có thể tạo ra một kết quả “thần kỳ” khác?

Trong 2 thập kỷ qua, Mỹ đã tiêu tốn nhiều nhân lực và tiền bạc. Hầu hết các tính toán cho thấy nước này đã chi gần 2.000 tỷ USD và hy sinh khoảng 2.500 nhân viên quân sự cho cuộc chiến này.

Đối với quân đội Afghanistan, tổn thất còn nặng nề hơn nhiều: gần 70.000 binh lính của chính phủ Afghanistan, cùng hơn 47.000 người dân Afghanistan - bất kể nam giới, phụ nữ, hay trẻ em - đều đã thiệt mạng.

Với thiệt hại về vật chất và con người như vậy, khó có thể lập luận rằng một chiến dịch quân sự kéo dài là điều thực sự chính đáng. Thay vào đó, quyết định của Biden nhằm thực hiện một bước đột phá toàn diện, mặc dù có vẻ nhẫn tâm, nhưng thực ra lại mang ý nghĩa lớn.

So với trước thời chính quyền Biden, các nhiệm vụ hiện nay có sự khác biệt lớn. Ngay từ đầu, việc duy trì khí tài quân sự ở các quốc gia vùng Vịnh xung quanh đã được xem là bước đi khôn ngoan nhằm thực hiện các sứ mệnh chống khủng bố trên không ở Afghanistan.

Mỹ cũng đã cam kết hỗ trợ kinh tế cho chính quyền đang bị vây hãm của Ghani. Ngoài những điều khoản đó, Washington cần đảm bảo rằng Pakistan sẽ không tiếp tục viện trợ và tiếp tay cho Taliban.

Khi nhu cầu hiện diện quân sự gần như đã chấm dứt, chính quyền Biden có thể gây áp lực thích đáng lên Pakistan - một “đồng minh tội lỗi” của Mỹ - nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển hàng viện trợ của họ cho Taliban.

Nếu không được Pakistan cung cấp các kho hàng và tiếp tục hỗ trợ bí mật, thì cuộc hành quân của Taliban tới Kabul sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Với di sản mà Mỹ để lại sau 20 năm mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh, chính quyền Biden hầu như không còn lựa chọn phù hợp nào khác.

Việc kéo dài một cuộc chiến không có hồi kết có lẽ là lựa chọn tồi tệ nhất mà Washington phải đối mặt. Trong trường hợp này, giải pháp chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ sẽ là lựa chọn khả dĩ nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục