Sản lượng công nghiệp Italy giảm gần 30%, tỷ lệ thất nghiệp tăng ở Đức

Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế của Italy trong quý 1/2020 giảm 4,7%, cao hơn so với mức trung bình 3,8% trong Eurozone.
COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)
COVID-19 ảnh hưởng đến kinh tế Italy. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 11/5, Cơ quan Thống kê Italy (Istat) cho biết sản lượng công nghiệp của nước này đã giảm gần 30% trong tháng Ba, khi nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Theo Istat, trong tháng Ba, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 28,4% so với tháng trước đó và giảm 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 30.000 người Italy, đồng thời giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.

Thống kê cho thấy tăng trưởng kinh tế của Italy trong quý 1/2020 giảm 4,7%, cao hơn so với mức trung bình 3,8% trong Eurozone.

Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu chịu tác động của dịch bệnh. Các biện pháp phong tỏa của Chính phủ Italy nhằm khống chế dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản lượng công nghiệp, cũng như khiến nền kinh tế nước này cơ bản bị tê liệt.

[Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Đức đều giảm mạnh]

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 cũng đã và đang tác động tới thị trường lao động của Đức khi tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh ở rất nhiều ngành nghề.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, một cuộc thăm dò do Viện Ifo thực hiện và công bố ngày 11/5 cho thấy số nhân viên bị sa thải hoặc không được gia hạn với các hợp đồng có thời hạn trong tháng 4/2020 tăng tới 58% trong lĩnh vực nhà hàng, 50% trong lĩnh vực khách sạn và 43% ở các công ty du lịch.

Cũng theo báo cáo của Ifo, lượng lao động bị sa thải trong lĩnh vực chế tạo ôtô cũng tăng tới 39%. Trong khi đó, số lao động bị cắt giảm ở các công ty môi giới việc làm là 57%, trong các doanh nghiệp sản xuất da giày là 48%, lĩnh vực in ấn là 30% và các nhà sản xuất sản phẩm kim loại là 29%.

Tuy nhiên, một số ngành nghề không bị dịch bệnh tác động nhiều là luật sư, kiểm toán, tư vấn thuế (chỉ 5%), hóa chất (5%), xây dựng (3%) và bất động sản (2%).

Đặc biệt, ngành dược phẩm hầu như không bị tác động và không có thông báo về số lao động bị cắt giảm cho tới thời điểm này.

Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch Đức (BTW) cảnh báo lĩnh vực du lịch có thể mất khoảng 11 tỷ euro (11,8 tỷ USD) doanh thu tính đến giữa tháng Sáu tới, trong đó khoảng 1 triệu người có thể mất việc làm.

Kết quả một cuộc thăm dò đối với 11.000 công ty du lịch và khoảng 2.300 đơn vị tổ chức trong ngành du lịch cho thấy có tới 70% số doanh nghiệp bên bờ vực phá sản trong ngắn và trung hạn.

Hiện khoảng 70% số lao động trong lĩnh vực du lịch ở Đức đã phải làm việc với hợp đồng ngắn hạn và tình hình được đánh giá ở mức thảm họa, đe dọa sụp đổ quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch ở Đức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục