Sẵn sàng nguồn lực để hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối 2025

Sân bay Long Thành thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta và khi hoàn thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.
Sẵn sàng nguồn lực để hoàn thành sân bay Long Thành vào cuối 2025 ảnh 1Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: ACV cung cấp)

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chính thức được khởi công giai đoạn 1, sau nhiều năm chờ đợi. Hiện tại, các nguồn lực đã sẵn sàng để có thể đưa sân bay này vào hoạt động từ năm 2025, “đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới,” như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ khởi công ngày 5/1.

Cam kết cân đối đủ vốn

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Cụ thể, dự án đã được khởi công dự án thành phần 3 và triển khai các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng ngày 5/1; từ tháng 1-9/2021 triển khai công tác thiết kế kỹ thuật, tháng 7/2022 xây dựng nhà ga hành khách, tháng 8/2022 xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và tháng 12/2025 hoàn thành các hạng mục công trình và đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.

[Thủ tướng: Sân bay Long Thành sẽ đóng góp tăng trưởng GDP từ 3-5%]

Theo ông Thanh, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 109.111,7 tỷ đồng (tương đương 4,6 tỷ USD), trong đó các hạng mục do ACV làm chủ đầu tư giai đoạn 1 có tổng vốn hơn 99.000 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu tối thiểu là 36.000 tỷ đồng. Do đó, ACV kiến nghị Chính phủ cho phép được giữ lại nguồn lợi nhuận các năm tới của doanh nghiệp để tăng vốn chủ sở hữu đầu tư cho sân bay Long Thành, giảm vốn vay và cân đối vốn cho dự án cảng hàng không khác.

“ACV cam kết cân đối đầy đủ vốn cho dự án, tập trung nhân lực, phối hợp đơn vị liên quan triển khai dự án đúng quy định pháp luật; đảm bảo tiến độ, chất lượng, không vượt tổng mức đầu tư phê duyệt, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2025,” ông Thanh nói.

Nhấn mạnh sân bay Long Thành là Cảng hàng không lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam, một thị trường hàng không có tốc độ tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới, vị Chủ tịch ACV nhìn nhận, trên thế giới, mô hình "thành phố sân bay" đang được phát triển một cách mạnh mẽ tại châu Âu, Đông Bắc Á, đặc biệt là tại Trung Đông. Tại khu vực Đông Nam Á, các Cảng hàng không ở Kuala Lumpur, Singapore cũng được coi là những thành công của mô hình này.

“Cảng hàng không quốc tế Long Thành có rất nhiều lợi thế cạnh tranh để trở thành một trong những trung tâm hàng không hàng đầu khu vực khi nằm ở trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước. Do đó, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ trở thành trung tâm của ‘thành phố sân bay’ và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực, có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư,” ông Thanh đưa ra sự kỳ vọng.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 

Về giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đã bàn giao 2.600ha cho giai đoạn 1 của dự án. Phần diện tích đất còn lại sẽ phê duyệt đền bù hỗ trợ tái định cư và thực hiện thu hồi trong quý 1/2021, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án trong năm 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn để sớm bố trí chỗ ở cho người dân. Ngoài thi công các gói thầu ưu tiên (4 tuyến đường chính và hệ thống thoát nước), các nhà thầu đang tập trung nhân lực triển khai xây dựng hạ tầng 12 phân khu và các gói thầu như hệ thống điện, chiếu sáng, cấp nước cho khu tái định cư. Dự kiến, đầu năm 2021 toàn bộ khu hạ tầng tái định cư sẽ hoàn thành, có thể bố trí chỗ ở cho khoảng 28.500 người với tổng diện tích hơn 280ha.

Đánh giá việc triển khai xây dựng sân bay Long Thành khá thuận lợi nhờ công tác giải phóng mặt bằng được giao cho địa phương, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tin tưởng sân bay Long Thành sẽ là sân bay mới hiện đại nhất Việt Nam và có thể nhất nhì trên thế giới.

“Sân bay Long Thành sẽ phải cạnh tranh với sân bay các nước trong khu vực, đặc biệt là sân bay của Singapore và Thái Lan để trở thành sân bay trung chuyển, nên đưa vào dự án các công nghệ, thiết bị hiện đại nhất từ kiểm soát hàng hóa, con người sẽ tự động hoàn toàn. Nhà ga hành khách cũng được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường…,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh./.

Dự án sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD. Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay có quy mô 4 đường băng, 4 ga hành khách, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu hàng hóa/năm.

Dự án sử dụng công nghệ quản lý sân bay hiện đại nhất thế giới hiện nay với việc kiểm soát hành khách và hàng hóa hoàn toàn tự động theo công nghệ sinh trắc học, nhận diện khuôn mặt.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục