Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng trưởng trong khó khăn

Cục Thống kê Hà Nội cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 của Thủ đô ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng trưởng trong khó khăn ảnh 1Sản xuất xe đạp tại Công ty Cổ phần Thống Nhất. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn 9 tháng năm nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực giảm sút, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao gây áp lực lên sản xuất.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 của Thủ đô ước tính tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,2% và tăng 3,1%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,4% và tăng 6,5%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,1% và tăng 5,7%; khai khoáng tăng 3,6% và giảm 7,6%.

Ước tính quý 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 0,9%; quý 2 tăng 3,7%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,4%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 4,6%; khai khoáng giảm 4,7%.

[WB: Sản xuất công nghiệp và tăng trưởng tín dụng "nhích" nhẹ]

Một số ngành có chỉ số IIP quý 3 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 13,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc tăng 12,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 11,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,6%.

Bên cạnh đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 13,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 12,5%; sản xuất kim loại giảm 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 2,3%; sản xuất trang phục giảm 2,2%.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2022 tăng 8,6%); trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,1%; khai khoáng giảm 5,2%.

Trong 9 tháng năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 19,6%; sửa chữa, bảo dưỡng máy móc tăng 17,2%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 14,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 8,6%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,2%.

Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như: sản xuất máy móc, thiết bị giảm 26,2%; sản xuất da và các sản phẩm từ da giảm 5,4%; công nghiệp dệt giảm 4,8%; sản xuất trang phục giảm 4,1%; sản xuất kim loại giảm 2,9%.

Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ sản phẩm tăng 1,3% so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tăng như sản phẩm thuốc lá tăng 9,7%; chế biến thực phẩm tăng 7,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 6,4%; xe có động cơ tăng 5%.

Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ như máy móc, thiết bị giảm 37,1%; dệt giảm 27,6%; da và các sản phẩm có liên quan giảm 27,2%; trang phục giảm 24,7%; in và sao chép bản ghi giảm 23,7%.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 30/9 giảm 28% so với cùng thời điểm năm 2022, trong đó, máy móc, thiết bị giảm 90,8%; phương tiện vận tải giảm 69,2%; in và sao chép bản ghi giảm 66,8%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 57,7%; kim loại giảm 44,3%.

Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng: thuốc, hóa dược và dược liệu gấp 2,5 lần; đồ uống gấp 2,1 lần; dệt tăng 79,9%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 37,2%.

Về lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 9 ước tính tăng 0,1% so với cuối tháng trước và giảm 2,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Tính chung 9 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,6%; khu vực Nhà nước giảm 1,4%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 2,2%.

Chia theo ngành kinh tế, trong 9 tháng qua, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2022; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải giảm 2,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 0,1%; ngành khai khoáng tăng 14,9%.

Thành phố Hà Nội đang tiếp tục tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tinh giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính bằng việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ủy quyền, phân cấp hàng trăm thủ tục hành chính cho các sở, ngành, quận huyện.

Thành phố ưu tiên thu hút công nghiệp sạch và kích cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục