Sập cầu vòm tại Tuyên Quang: Đau thương trùm xã nghèo Ngọc Hội

Rạng sáng ngày 12/9, thi thể 3 nạn nhân trong vụ sập cầu vòm khu vực Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được tìm thấy và đưa về gia đình.
Sập cầu vòm tại Tuyên Quang: Đau thương trùm xã nghèo Ngọc Hội ảnh 1Vợ của nạn nhân Trần Anh Tuấn, thôn Đầm Hồng 2, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Rạng sáng ngày 12/9, thi thể 3 nạn nhân trong vụ sập cầu vòm khu vực Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã được tìm thấy và đưa về gia đình.

Hai trong số ba nạn nhân là công dân xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, gia đình các nạn nhân đã tổ chức mai táng ngay trong sáng 12/9.

Không khí tang thương đang bao trùm lên vùng quê nghèo Ngọc Hội, huyện vùng cao Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, khi hai trong số ba công nhân thiệt mạng tại vụ sập cầu vòm thuộc khu vực Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa ngày 10/9 là công dân của xã.

Chúng tôi tới gia đình người công nhân xấu số Trần Anh Tuấn, sinh năm 1987, thôn Đầm Hồng 2, xã Ngọc Hội khi gia đình anh đang tổ chức lễ truy điệu, đưa anh về nơi an nghỉ.

Anh được tìm thấy và đưa về gia đình lúc rạng sáng ngày 12/9 khi thi thể không còn nguyên vẹn. Chị Thu, vợ anh khóc ngất đi trước di ảnh của người chồng trẻ.

Anh Tuấn ra đi khi đứa con gái nhỏ của vợ chồng anh chưa tròn 2 tuổi. Trong vòng tay của người thân, thỉnh thoảng cháu bé lại khóc nấc lên.

Không cầm được nước mắt trước sự mất mát quá lớn, ông Trần Văn Bắc, bố đẻ của anh Tuấn, chia sẻ: “Trước hôm Tuấn đi làm, nó còn bảo nó đi tăng ca chiều nay, mai nghỉ ở nhà trông con cho vợ đi khám bệnh. Thế mà chờ mãi chẳng thấy con về. Nhà có hai đứa con, mỗi Tuấn là con trai, giờ nó đi rồi, không biết cửa nhà trông cậy vào đâu.” 

[Tìm thấy thi thể hai nạn nhân vụ sập cầu Vòm ở Tuyên Quang]

Bà Chu Thị Hoa, bà nội của anh Tuấn nghẹn ngào lau nước mắt: “ Sáng nào nó đi làm cũng qua chào bà rồi mới đi. Hôm ấy, nó đi sớm lúc bà nghỉ trưa nên chưa kịp chào. Nó đi rồi bà cũng không kịp thấy nó lần cuối.”

Không chỉ những người thân trong gia đình anh Tuấn, mà người dân ở thôn Đầm Hồng 2 không ai là không bàng hoàng, đau xót trước sự ra đi đột ngột của người thanh niên hiền lành, hay giúp đỡ người khác những lúc khó khăn.

Ông Trần Đức Thắng, Trưởng thôn Đầm Hồng 2, cho biết, anh Tuấn là một công dân tốt, hiền lành, là người con có hiếu, người chồng, người cha luôn quan tâm vun đắp cho gia đình. Đang ở độ tuổi thanh niên nên anh Tuấn luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con xung quanh và nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của thôn xóm.

Theo chia sẻ của người nhà anh Tuấn, anh vốn là lái xe của Nhà máy Thủy điện ICT. Trước đây, anh Tuấn làm việc tại chi nhánh Lào Cai, đầu năm 2017 anh được chuyển về làm việc tại nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa, công tác được vài tháng thì gặp nạn.

Cùng gặp nạn với anh Tuấn, là anh Sì Vĩnh Kin, sinh năm 1981, thôn Đầm Hồng 4, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa. Khi chúng tôi đến, gia đình đang trên đường đưa anh đi hỏa táng trở về.

Sập cầu vòm tại Tuyên Quang: Đau thương trùm xã nghèo Ngọc Hội ảnh 2Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân trong vụ sập cầu vòm khu vực Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Tiếp chúng tôi là ông Sì Coóc Sinh, 71 tuổi, bố đẻ của anh Sì Vĩnh Kin. Người cha già gầy guộc, lau vội giọt nước mắt khi nói về người con xấu số: “Nó vừa mới xây được căn nhà, còn đang dang dở. Nó bảo tôi là cố gắng làm nốt năm nay ở nhà máy để trả nợ tiền xây nhà, rồi nó kiếm công việc khác. Tôi thì già yếu rồi, thương tiếc con nhưng cũng không biết làm gì. Chỉ tội vợ, con nó. Thằng bé út được 25 tháng tuổi cứ nghe tiếng xe máy là chạy ra: ​'Pá về! Pá về!'(Bố về! Bố về!) mà người lớn cứ nghẹn hết lòng.” 

Chị Từ Mỹ Xuân, chị gái anh Kin cũng không nén nổi đau xót: “Em tôi nằm dưới nước gần 2 ngày trời đau đớn. Nếu không có bà con, làng xóm cùng túc trực tìm kiếm, chưa chắc giờ này gia đình tôi đón được nó về. Đi làm thì lành lặn, mà trở về thì đau quá.” 

Anh Kin khi còn sống cũng là một người công dân tốt bụng, vui vẻ hiền lành luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Chị Hoàng Thị Liên, thôn Đầm Hồng 4 nghẹn ngào: "Cậu Kin tốt lắm, vừa hiền lành vừa chăm chỉ. Làng trên xóm dưới, nhà ai có công việc gì là lúc nào cũng có mặt. Biết tin, ai cũng bàng hoàng, đau xót."

Cũng bởi tình làng nghĩa xóm, khi nghe tin dữ, cả thôn Đầm Hồng 4 đều dốc lực, dốc sức đi tìm kiếm người mất tích suốt 2 ngày đêm. Đàn ông, thanh niên thì trực tiếp lặn, ngụp xuống lòng sông để tìm kiếm. Phụ nữ túc trực để sẵn sàng tiếp tế khi cần thiết.

Anh Chu Đức Long, thôn Đầm Hồng 4 cho biết: "Nhà tôi với nhà cậu Kin cạnh nhau, có việc gì anh em vẫn chia sẻ, giúp đỡ nhau. Nghe tin Kin gặp nạn , hai vợ chồng tôi lập tức lên chỗ cầu sập cùng ứng cứu. Hai ngày nay, tôi cùng anh em lặn, ngụp cả ngày, cả đêm để tìm kiếm thi thể Kin. Mệt thì chạy về ăn bát cơm xong lại tiếp tục lặn tìm."

Theo thông tin đã đưa trước đó, Công trình cầu Vòm do Công ty phát triển Cộng đồng, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quốc tế - ICT đang thi công tại khu vực Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa đã bị đổ sập chiều 10/9, làm ba công nhân đang thi công bị vùi lấp, trong đó có hai người thường trú tại xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), một người là lao động tại tỉnh Thái Bình. Vụ sập cầu vòm cũng làm 6 người bị thương.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả. Chính quyền và các ban ngành tỉnh Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa cũng đã có hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục