Sẽ nghiên cứu dự án đường sắt kết nối ray giữa Lào Cai-Trung Quốc

Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt kết nối ray giữa ga Lào Cai và Hà Khẩu (Trung Quốc).
Sẽ nghiên cứu dự án đường sắt kết nối ray giữa Lào Cai-Trung Quốc ảnh 1Dự án nâng cấp, cải tạo đường sắt Yên Viên-Lào Cai giai đoạn 1 hoàn thành đã góp phần nâng cao năng lực chạy tàu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt kết nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Đây là nội dung của Bộ Giao thông Vận tải vừa trả lời cử tri tỉnh Lào Cai về dự án đường sắt Yên Viên-Lào Cai và Hà Khẩu trong đó có đề nghị bộ này sớm triển khai các hợp phần thuộc dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai (giai đoạn 2) để đáp ứng yêu cầu vận tải trên tuyến.

Để đảm bảo an toàn giao thông và đáp ứng nhu cầu vận tải bằng đường sắt ngày một gia tăng trên hành lang Đông-Tây, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai (giai đoạn 1) và đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2014.

Hiện nay, để chuẩn bị danh mục trong kế hoạch đầu công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt kết nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

Mặt khác, Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng phương án kết nối và triển khai các thủ tục để thúc đẩy tiến độ đàm phán, thỏa thuận điểm nối ray giữa Việt Nam với Trung Quốc làm cơ sở triển khai nghiên cứu đầu tư dự án kết nối nêu trên.

“Tuy nhiên, qua nhiều lần trao đổi, đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi đối với phương án đề xuất của phía Việt Nam,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải, phương án thỏa thuận điểm nối ray với phía Trung Quốc và nguồn lực được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân đối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

[Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng]

Được biết, dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai giai đoạn 1 dài 285km được thực hiện từ tháng 2/2005 đến tháng 9/2014, nhằm cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trên tuyến đến năm 2020; tăng khối lượng hàng hóa quá cảnh trên hành lang giao thông Côn Minh-Hải Phòng; tăng mức độ an toàn chạy tàu trên tuyến đồng thời rút ngắn thời gian chạy tàu, đặc biệt là tàu khách (khoảng 70 phút).

Điểm đầu của dự án bắt đầu tại ga Yên Viên và điểm cuối là giữa Cầu Hồ Kiều (biên giới Việt Nam và Trung Quốc), thuộc địa phận các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Sau 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là 5.809,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng trong nước và vốn vay nước ngoài.

Việc hoàn thành giai đoạn 1 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển vận tải đường sắt tuyến phía Tây nói riêng và hệ thống đường sắt cả nước nói chung.

Theo đó, năng lực tuyến hiện nay đã được nâng lên, cho phép khai thác 23 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Việt Trì-Yên Bái, 33 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Yên Bái-Phố Lu, 17 đôi tàu/ngày đêm trên đoạn Phố Lu-Lào Cai, xóa bỏ hầu hết các điểm xung yếu gây mất an toàn trên tuyến và rút ngắn thêm 40 phút chạy tàu từ Hà Nội đến Lào Cai.

Tới đây, khi giai đoạn 2 của dự án nếu tiếp tục được đầu tư sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải với mục tiêu 5 triệu hành khách/năm và 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm, rút ngắn thời gian chạy tàu trên tuyến khoảng 90 phút và cho phép nâng cao hơn nữa năng lực khai thác, lập chạy tàu với tần suất ngày đêm cao hơn nữa trên toàn tuyến đường.

Dự án mở ra cơ hội phát triển kinh tế-xã hội cho các địa phương ở khu vực Tây Bắc, là đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội cho các tỉnh khi giao thương được thuận tiện và nhanh chóng, tạo điều kiện giao lưu thương mại giữa vùng Tây Bắc-Việt Nam và tỉnh Vân Nam-Trung Quốc, tạo điều kiện cho việc tiếp cận hàng hóa từ cảng Hải Phòng đến tỉnh Vân Nam và ngược lại, đặc biệt là vận tải container, thúc đẩy phát triển du lịch, giảm áp lực giao thông đường bộ.

Hơn thế nữa, dự án được triển khai giúp năng lực vận tải hàng hóa của tuyến tăng lên một cách đáng kể, khắc phục cơ bản tình trạng quá tải vốn đã tồn tại từ lâu trên tuyến đường sắt quan trọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục