Số ca can thiệp hỗ trợ trẻ em bị bạo lực qua Tổng đài 111 tăng hơn 82%

Trong quý 1/2022, số lượng các ca can thiệp của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số ca can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực tăng tới 82,4%.
Cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận các cuộc gọi đến. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cán bộ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận các cuộc gọi đến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo số liệu của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2022, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 202.098 cuộc gọi đến; tư vấn 10.603 ca, tăng 3.333 ca tương ứng với 45,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong ba tháng đầu năm, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã hỗ trợ, can thiệp 502 ca, trong đó số ca trẻ em bị bạo lực là 323 ca, tăng 146 ca, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2021; trẻ em bị xâm hại tình dục là 43 ca, giảm 11 ca so với cùng kỳ năm 2021; trẻ em bị bóc lột là 62 ca, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021; trẻ em gặp khó khăn liên quan đến pháp luật (tranh chấp quyền nuôi con, nhập quốc tịch, làm giấy khai sinh) là 25 ca và 49 ca về các vấn đề khác.

Theo thống kê từ điểm báo, đơn thư... của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong ba tháng đầu năm 2022, toàn quốc có 147 trẻ em bị xâm hại (tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 30  em); trong đó 52 trẻ em bị bạo lực, 31 trẻ em bị xâm hại tình dục, 25 trẻ em vi phạm pháp luật, 13 trẻ em bị bắt cóc, mất tích, 26 trẻ em bị bỏ rơi. Cả nước có 53 trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích, làm tử vong 45 trẻ em (trong đó có 42 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước).

Số ca can thiệp hỗ trợ trẻ em bị bạo lực qua Tổng đài 111 tăng hơn 82% ảnh 1

Trong dịp Tết Nhâm Dần, bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, động viên trẻ em vui Tết, vẫn còn xảy ra một số vụ việc trẻ em bị tử vong do đuối nước (ở Hải Dương), bạo hành trẻ em (ở quận Hà Đông, Hà Nội); phát hiện ra nhiều trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19 (tỉnh Nghệ An); trẻ sơ sinh bị bỏ rơi (ở Hải Dương và Thanh Hóa); trẻ bị tổn thương bàn tay do pháo tự chế nổ (ở Thành phố Hồ Chí Minh)...

[Từ các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em: Cần nâng cao hiệu lực pháp luật]

Về các hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trong quý 1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các bộ ngành, địa phương về công tác trẻ em năm 2022 và rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội, các quỹ từ thiện.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Lễ ký kết quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025 đã được tổ chức trong quý 1./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục