Sự chệch hướng nguy hiểm của các cuộc 'đối thoại hòa bình' tại Myanmar

Myanmar đang rơi tự do trong một cuộc xung đột khi chế độ quân sự tự xưng là Hội đồng Chính quyền Nhà nước đang chiến đấu với vô số các nhóm phản kháng ngày càng gia tăng trên khắp các mặt trận.
Sự chệch hướng nguy hiểm của các cuộc 'đối thoại hòa bình' tại Myanmar ảnh 1Hiện trường một vụ nổ bom ở thành phố Yangon, Myanmar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin Myanmar đang rơi tự do trong một cuộc xung đột khi chế độ quân sự tự xưng là Hội đồng Chính quyền Nhà nước (SAC) đang chiến đấu với vô số các nhóm phản kháng ngày càng gia tăng trên các mặt trận khắp đất nước, trong đó nhiều nhóm đã phải trang bị vũ khí sau cuộc đảo chính của quân đội hồi tháng 2/2021.

Giao tranh ở các khu vực phía Tây như các bang Sagaing, Magwe và Chin đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, với hàng loạt vụ phục kích của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) nhằm vào các đoàn xe quân sự cũng như giao chiến với các lực lượng dân quân ủng hộ SAC.

Ngược lại, quân đội đã phá nát các  làng mạc dân sinh bằng những cuộc không kích, pháo kích hạng nặng… khiến gần 20.000 ngôi nhà bị thiêu hủy.

Bất chấp sự tuyệt vọng về thảm họa nhân đạo và nhân quyền, nhiều nhà phân tích ước tính rằng quân đội đã bị suy yếu nghiêm trọng trước sự phản kháng có vũ trang.

[Đặc phái viên ASEAN nhận định về đàm phán hòa bình tại Myamar]

Lực lượng này được dẫn dắt bởi PDF và nhiều tổ chức vũ trang dân tộc (EAO) mới được thành lập như Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một số trong số đó đã tạo dựng các liên minh hoặc cam kết trung thành với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), một chính quyền song song được hình thành sau đảo chính.

Vậy lãnh đạo SAC làm gì khi phải đối mặt với sự phản kháng chưa từng có và ngày càng lan rộng này? Nếu đúng logic, họ sẽ kêu gọi các cuộc đối thoại hòa bình, một lối thoát đang được nỗ lực tìm kiếm và đây cũng là lối thoát thực sự để chấm dứt cuộc đàn áp quân sự tại Myanmar.

Thỏa thuận Ngừng bắn Toàn quốc Myanmar (NCA) từng được 8 tổ chức ký kết vào năm 2015 (một thỏa thuận khác ký vào năm 2018), nhưng bất chấp những cuộc đối thoại liên tục và sự trung gian bí mật của các bên, thỏa thuận đã suy tàn vào tháng 10/2018.

Chỉ huy quân sự, Tướng Min Aung Hlaing, nhà độc tài đã điều hành vụ đảo chính 2021, đã công bố một “Lệnh Ngừng bắn vì Hòa bình Vĩnh viễn” vào tháng 12/2018, và cứ vài tháng đến vài năm lại gia hạn một lần cho đến khi xảy ra đại dịch COVID-19 và ngay sau đó là cuộc đảo chính, thậm chí ngay cả khi đang chiến đấu với các EAO tại nhiều khu vực trên cả nước.

Vòng "đàm phán" đầu tiên vào tháng Năm với Chủ tịch Yawd Serk của Hội đồng Nổi dậy Khôi phục bang Shan (RCSS) đã dẫn đến một số thỏa thuận liên quan đến "Hiệp định Liên minh," vốn đã được đàm phán từ vài năm về trước trong quá trình chuẩn bị cho cuộc đảo chính.

Sự háo hức của RCSS chủ yếu có thể được giải thích bởi những sai lầm chiến lược của nó kể từ cuối năm 2015.

Nó đã sử dụng vỏ bọc ký kết NCA năm 2015 như một cái cớ để mở rộng hoạt động ở phía Bắc bang Shan, gây ra một cuộc xung đột nhiều phía để kiểm soát lãnh thổ và hàng hóa giữa các EAO khác nhau, đặc biệt là nhóm vũ trang dân tộc Ta'ang và tổ chức gốc của RCSS - Quân đội Bang Shan (SSA) thành lập vào năm 1964.

Cuộc xung đột này đã khiến hàng nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa, làm gián đoạn sinh kế và thương mại, đồng thời làm trầm trọng thêm những căng thẳng giữa các cộng đồng trong bối cảnh quân đội và chính phủ tiền nhiệm hạn chế viện trợ.

RCSS đã quyết định đứng ngoài cuộc kháng chiến hậu đảo chính và ưu tiên sự tồn vong của chính mình khi giờ đây nó đã bị hạn chế ở phần lãnh thổ gần biên giới Thái Lan.

Sự xuất hiện của bà Saw Mra Razar Lin thuộc Đảng Giải phóng Arakan (ALP) tại cuộc đàm phán hòa bình của quân đội chính phủ đặc biệt kỳ lạ.

Là nữ lãnh đạo cấp cao duy nhất của EAO tham dự các cuộc đàm phán hòa bình trong vài năm trở lại đây, bà chỉ huy một số lượng binh lính rất ít, và hầu hết chỉ đóng ở vùng biên giới Thái Lan-Myanmar xa xôi.

ALP và cánh vũ trang của họ chẳng là gì so với Quân đội Rakhine Arakan (AA), với ước tính có hơn 8.000 quân.

Trong các cuộc giao tranh ác liệt từ năm 2019 đến cuối năm 2020, AA đã khiến quân đội Myanmar bế tắc, thương vong tới hàng trăm người, nếu không muốn nói là hàng nghìn người trong một cuộc xung đột khiến khoảng 200.000 dân thường phải di tản.

Một lệnh ngừng bắn không dễ dàng đã tạo điều kiện cho AA mở rộng hệ thống thuế và tư pháp của riêng mình với khoảng 60% diện tích phía Tây bang Rakhine, kết hợp với các đại diện Hồi giáo Rohingya của Đảng Quyền lực Nhân dân Arakan (APA).

AA đã bị giáng một đòn vào ngày 4/7 khi một cuộc không kích đã giết chết 6 binh sỹ của họ tại một căn cứ ở bang Kayin gần biên giới Thái Lan, qua đó đặt ra những nghi vấn mới tính hiệu quả của lệnh ngừng bắn mà họ khó khăn lắm mới đặt được sau đảo chính.

Các nhóm khác đã tham dự cuộc đối thoại bao gồm Liên minh Quốc gia Karen/Hội đồng Hòa bình Quân đội Giải phóng Quốc gia Karen, Quân đội Nhân từ Dân chủ Karen (DKBA), Đảng Bang Mon Mới và Tổ chức Giải phóng Dân tộc Pa-O (PNLO).

Các nhóm này có khả năng tập hợp vài trăm binh lính với nhau, nhưng về cơ bản họ đã bị các nhà bảo trợ tiến trình hòa bình từ phương Tây thổi phồng một cách giả tạo. Giờ đây, họ là những tác nhân đóng vai trò quan trọng trong tiến trình kém chất lượng của SAC.

EAO lớn nhất ở Myanmar, Quân đội Thống nhất Bang Wa (UWSA), đang kiểm soát khu vực tự trị của mình ở biên giới Trung Quốc với khoảng 30.000 quân và vũ khí tinh vi, và không thực sự cần tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Họ đã cử một quan chức cấp cao nhưng không có vai trò quan trọng trong tổ chức, và đưa ra một tuyên bố sau các cuộc đàm phán, về cơ bản nói rằng bang Wa có quyền tự quyết của riêng họ và đây là một vấn đề của người Myanmar mà họ không muốn can thiệp.

Các cuộc đàm phán theo kế hoạch với Đảng Tiến bộ Bang Shan, hay SSA, đã không được tổ chức vì giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng của họ và quân đội của SAC ở phía Bắc Bang Shan.

Những luận điệu lẩn tránh trong các cuộc đàm phán hòa bình còn phủ bóng cả nỗ lực hòa giải của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với việc Đặc phái viên Prak Sokhonn mới đây đã đến thăm Myanmar nhưng chỉ được gặp các EAO đã tham dự các cuộc đối thoại của SAC.

Điều này rõ ràng vi phạm các điều khoản của “Đồng thuận 5 điểm” mà lãnh đạo SAC đã đạt được với ASEAN vào tháng 4/ 2021: “đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan sẽ bắt đầu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.”

Sự chệch hướng nguy hiểm của các cuộc 'đối thoại hòa bình' tại Myanmar ảnh 2Binh sỹ Myanmar tại lễ kỷ niệm Ngày Liên bang lần thứ 75 ở Naypyidaw. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá trị của ASEAN càng bị ảnh hưởng bởi vai trò của Trung tâm Nhân đạo ASEAN (AHA), cơ quan đang tiến hành đánh giá nhu cầu mà về cơ bản chỉ là vỏ bọc để Liên hợp quốc hoạt động trong các khu vực do SAC kiểm soát chứ không phải các khu vực xung đột vũ trang, nơi các bên tham chiến không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình đang hoành hành, và ở đó các cộng đồng dân sự và nhân viên cứu trợ không được tiếp cận và phải nhờ cậy vào sự hỗ trợ xuyên biên giới không được AHA hoặc LHQ yểm trợ.

Hồi tháng Năm, NUG và các EAO chính đang đấu tranh chống lại SAC đã đưa ra một tuyên bố gay gắt lên án vai trò của ASEAN trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo, vì hành động này rõ ràng là bị SAC thao túng.

Các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar có thể thiếu tinh tế nhưng họ đủ khôn ngoan để kiểm soát các nhân viên viện trợ quốc tế chính thức, cũng giống như những gì xảy ra hồi thập kỷ trước trong tiến trình hòa bình trước đó.

Một mối nguy hiểm nghiêm trọng là việc các cuộc đối thoại hòa bình, bên cạnh việc SAC công bố các kế hoạch cho một cuộc tổng tuyển cử năm 2023 với một hệ thống bầu cử hoàn toàn mới, vốn có khả năng sẽ cấm Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị hất cẳng tham gia tranh cử, không thể mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các cơ quan viện trợ quốc tế, để biện minh cho việc họ tiếp tục hiện diện tại quốc gia này.

Sẽ rất nguy hiểm nếu tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giả tạo khi mà xung đột vẫn đang bùng phát ở những nơi khác.

Thước đo chính xác duy nhất cho mục đích thực sự của SAC là hành vi của họ trên thực địa, được chứng tỏ trong sự thương vong của hàng nghìn người dân, các ngôi làng bị đốt cháy và sự gián đoạn của hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Ở Myanmar, các cuộc đàm phán về hòa bình thường chỉ là vỏ bọc để che đậy cho chiến tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục