Sự kiện tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc yêu cầu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và hiện tượng cá chết bất thường tại Bắc Trung Bộ là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Thủ tướng Ngu​yễn Xuân Phúc yêu cầu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2016 và hiện tượng cá chết bất thường tại Bắc Trung Bộ là hai trong số những sự kiện nổi bật tuần qua.

Cùng Vietnam+ điểm lại những sự kiện nổi bật trong tuần từ 18-24/4:

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2016
Sáng 21/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, kiểm soát tốt lạm phát và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2016.

Theo ý kiến đánh giá của các bộ, ngành tại cuộc họp, bối cảnh khó khăn hiện tại của tình hình kinh tế, xu hướng tăng trưởng GDP chậm lại đã được dự báo từ năm trước do diễn biến của tình hình kinh tế, tài chính thế giới và dấu hiệu của thiên tai trong nước.

Trong khi đó, một số dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ để phục vụ tăng trưởng kinh tế là hạn hẹp.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, định hướng chủ đạo được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý đề xuất đó là tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân; thứ hai là giảm mặt bằng lãi suất bởi trong khi dư địa của chính sách tiền tệ và tài khóa khá hạn hẹp, để thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn nguồn dư địa từ khu vực kinh tế tư nhân.

Do đó, các ý kiến tại buổi làm việc đ​ề nghị Chính phủ tăng cường đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt tình hình, lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, bước vào năm 2016, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, rét đậm, rét hại, mưa đá tại các tỉnh miền núi phía Bắc gây ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, làm thiệt hại 0,3% GDP của cả nước.

Trong bối cảnh đó, giá dầu vẫn giảm sâu, chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; tình hình thu chi ngân sách đứng trước những trở ngại lớn, cần có giải pháp tháo gỡ.

Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khối các bộ ngành kinh tế tổng hợp của Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Bộ cần chủ động nghiên cứu, có các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và cả năm 2016. Đồng thời, Bộ cũng cần tăng cường khả năng dự báo; thực hiện tốt hơn nữa công tác tham mưu cho Chính phủ triển khai những giải pháp trước mắt và dài hạn theo hướng tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, duy trì tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.

Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc yêu cầu kiên định nhiệm vụ đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội thông qua ở mức 6,7% năm 2016.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 1Chế biến hạt điều xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xem thêm: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2016

Hội nhập TPP: Doanh nghiệp dệt may vẫn chậm trên "sân nhà"
Sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, từ đầu năm đến nay, dòng vốn mới đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục gia tăng và đổ dồn vào ngành dệt may Bình Dương, chiếm ưu thế cả trong sản xuất lẫn thị phần. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn đang “loay hoay” tìm đường liên kết. Điều này ít nhiều cho thấy doanh nghiệp Việt đã bị chậm trên sân nhà.

Dòng vốn FDI đang “ráo riết” đổ vào Việt Nam và địa bàn Bình Dương chứng tỏ lợi ích từ TPP là rất lớn. Việc gia tăng thu hút thêm nhiều dự án FDI vào ngành dệt may đã giúp ngành dệt may có nhiều cái lợi; trong đó có việc góp phần tăng thêm tỷ trọng xuất khẩu cho Việt Nam. Nhưng nhìn chung, vốn FDI chảy vào nhiều cũng sẽ làm khó cho doanh nghiệp trong nước, nhất là với đơn vị có nguồn lực tài chính yếu và thiếu năng lực sản xuất.

Cụ thể, hai thách thức mà doanh nghiệp FDI đang đè nặng lên sân chơi “không cân sức” là họ mạnh vốn nên chiếm thị phần sản xuất rất lớn và thêm nhà máy mới sẽ làm chuyển dịch thị trường lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vừa hạn chế vốn, chưa chủ động trong đào tạo nguồn lao động nên càng thêm khó khăn.

Những thách thức này sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước phải làm gia công hoặc đi làm thuê lại cho các doanh nghiệp FDI. Mặc dù các doanh nghiệp trong Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương đã chủ động tìm liên kết nhưng đến nay vẫn chưa thể khớp nối được với nhau. Bên cạnh đó, tự thân các doanh nghiệp trong nước cũng chưa “mặn mà” tạo ra chuỗi liên kết, bởi niềm tin giữa các doanh nghiệp đang còn một khoảng cách khá xa.

Đây cũng là lý do khi TPP đến, các doanh nghiệp trong nước chưa tạo ra được chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may lành mạnh, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp vốn FDI.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 2(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Xem thêm: Hội nhập TPP: Doanh nghiệp dệt may vẫn chậm trên "sân nhà"

Chính phủ đồng ý bỏ phí sử dụng đường bộ với môtô từ 5/6
Chủ sở hữu các loại xe gắn máy, môtô hai bánh, môtô ba bánh sẽ chính thức không phải nộp phí sử dụng đường bộ từ 5/6.

Đây là thông tin đáng chú ý trong Nghị định 28/2016/NĐ-CP vừa được công bố. Cụ thể, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 5/6 chỉ bao gồm: xe ôtô, máy kéo, rơmoóc, sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự.

So với quy định hiện tại, “xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy” là những đối tượng sẽ được xóa khỏi diện phải nộp phí sử dụng đường bộ hàng năm.

Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã cùng nhất trí kiến nghị tạm dừng thu phí đường bộ với môtô. Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, việc triển khai thu phí đối với môtô thực tế đã gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo, trong các năm 2013 và 2014, số thu phí sử dụng đường bộ với môtô chỉ đạt khoảng hơn 21% kế hoạch thu.

Điều này theo đại diện cơ quan chức năng xuất phát từ nguyên nhân xe môtô là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm lưu hành, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu.

Ngoài ra, với trường hợp chủ xe là sinh viên, lao động tự do, có tình trạng xe đăng ký ở địa phương này nhưng lại mang xe đến địa phương khác sử dụng. Đây là những nguyên nhân khiến cơ quan chức năng cho rằng “khó kiếm soát và thu phí”.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, chế tài xử phạt với những trường hợp không nộp phí còn hạn chế nên chủ phương tiện không chấp hành. Điều này khiến số phí thu được thấp và “không công bằng về trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc nộp phí.”

Kiến nghị này sau đó đã được Chính phủ đồng ý cho tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với môtô trên cả nước từ ngày 1/1/2016.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Xem thêm: Chính phủ đồng ý bỏ phí sử dụng đường bộ với môtô từ 5/6

Cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ
Trước tình hình cá nuôi lồng bè và cá tự nhiên tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế chết bất thường từ ngày 6/4 đến nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chỉ đạo Tổng cục Thuỷ sản và các đơn vị thuộc Bộ lập đoàn công tác cùng địa phương lấy mẫu giám sát tìm nguyên nhân và tác nhân xảy ra tình trạng trên.

Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân cá chết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức; tổ chức thu gom cá chết, tiêu huỷ theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tuyên truyền để người dân yên tâm, tránh hoang mang, không thả giống trong thời điểm này.

Các tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân; tổ chức thống kê thiệt hại, bố trí kinh phí xử lý, hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 4Cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân cá chết trên biển. (Ảnh Trần Tĩnh/TTXVN)

Xem thêm: Cảnh sát môi trường vào cuộc truy tìm độc tố vụ cá chết hàng loạt

Phim truyện điện ảnh “Trúng số” giành giải Cánh diều vàng 2015
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, phim truyện điện ảnh “Trúng số” của đạo diễn Dustin Nguyễn giành giải Cánh diều vàng 2015 tại Lễ trao giải thưởng Cánh diều năm 2015 tối 20/4, tại Hà Nội.

Cũng tại buổi lễ, giải diễn viên nữ chính xuất sắc nhất hạng mục phim truyện truyền hình được trao cho Nhã Phương vai Linh phim “Tuổi thanh xuân.”

Giải nam diễn viên chính xuất sắc hạng mục phim truyện truyền hình được trao cho 2 diễn viên Việt Anh vai Thành trong phim “Khi đàn chim trở về” và Quang Tuấn vai Vinh trong “Khúc hát mặt trời.”

Nữ và nam diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh được thuộc về Ninh Dương Lan Ngọc vai Út Thơm phim “Trúng số” và Nguyễn Thanh Tú vai Hoàng phim “Cầu vồng không sắc”.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 5Ban tổ chức trao giải phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất 2015 cho bộ phim " Trúng số" của đạo diễn Dustin Nguyễn. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Xem thêm: Phim truyện điện ảnh “Trúng số” giành giải Cánh diều vàng 2015

220 hãng lữ hành châu Âu khảo sát thị trường du lịch tại Đà Nẵng
Hội nghị các hãng lữ hành Đức 2016 tại Đà Nẵng diễn ra vào ngày 21/4, với gần 250 đại biểu thuộc 220 hãng lữ hành, truyền thông có uy tín của Đức và Áo... tham gia.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đón đoàn khảo sát và tổ chức Hội nghị các hãng lữ hành Đức do Tổng Cục Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cùng Công ty Meier Welstreisen thuộc Tập đoàn Der Touristik (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức.

Sau khảo sát, các đại lý du lịch tập trung tại Đà Nẵng tham gia hội nghị, trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch vụ, điểm đến, sản phẩm phù hợp để giới thiệu tới thị trường Đức và châu Âu.

Đây là cơ hội tốt để các nước, các điểm đến giới thiệu hình ảnh, sản phẩm tới mạng lưới các đại lý lữ hành, cầu nối trực tiếp đến thị trường Đức và châu Âu.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng Cục Du lịch) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân từ Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.

Năm 2015, trong số 1,2 triệu lượt khách châu Âu đến Việt Nam có khoảng 149.000 lượt khách du lịch Đức, tăng 4,9% so với năm 2014.

Cộng hòa Liên bang Đức hiện là đối tác quan trọng và là một trong những thị trường gửi khách hàng đầu của ngành du lịch Việt Nam tại châu Âu.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 6Các đại biểu trao đổi, tìm hiểu các sản phẩm du lịch tại hội nghị. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Xem thêm: 220 hãng lữ hành châu Âu khảo sát thị trường du lịch tại Đà Nẵng

Cống hiến 11: Sơn Tùng M-TP vượt Tùng Dương trúng “Ca sỹ của năm”
Bất ngờ có mặt trong đề cử hạng mục “Ca sỹ của năm” trong đêm Trao giải Cống hiến tối 24/4 tại Thanh Hóa, Sơn Tùng M-TP đã vượt divo Tùng Dương trở thành ca sỹ dẫn đầu ở hạng mục danh giá này.

Đây có lẽ là kết quả khó đoán nhất trong các hạng mục giải Cống hiến lần thứ 11. Và hẳn nhiên, nó khá bất ngờ.

Nói như thế, bởi xét bốn đề cử tại hạng mục này, bên cạnh Hồng Nhung và Trần Thu Hà quả thật Tùng Dương và Sơn Tùng M-TP là hai ca sỹ có nhiều hoạt động nổi bật trong âm nhạc năm 2015.

Như một sự sắp xếp đầy ẩn ý về bước gạch nối và tinh thần “rước trẻ” của ban tổ chức, ca sỹ Tùng Dương chính là người công bố hạng mục “Ca sỹ của năm.”

Một hạng mục quan trọng khác của Giải Cống hiến - “Chương trình của năm” do chính Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng ban tổ chức Giải Âm nhạc Cống hiến công bố thuộc về “Thập kỷ hoan ca” của Tùng Dương.

Hạng mục “Chuỗi chương trình của năm” không quá bất ngờ khi được trao cho Monsoon Music Festival 2015 (Công ty Thanh Việt).

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 7Tùng Dương trao cúp Cống hiến Ca sỹ của năm cho Sơn Tùng M-TP. (Ảnh: BTC)

Cống hiến 11: Sơn Tùng M-TP vượt Tùng Dương trúng “Ca sỹ của năm”

Khô hạn, nắng nóng tác động mạnh đến đà tăng CPI tháng Tư
Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư tăng 0,33% so với tháng Ba và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, CPI tháng này đã tăng 1,33% so với tháng 12 năm ngoái. CPI bình quân bốn tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ cũng tăng 1,41%.

Do đó, chỉ số lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Tư chỉ tăng 0,19% so với tháng trước đó, tăng 1,76% so với cùng kỳ.

Cũng theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có 8 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm giao thông (+1,73%) và tăng thấp nhất là nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép (+0,05%).

Bên cạnh đó, chỉ số giá tại hai nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống và bưu chính viễn thông giữ ở mức ổn định. Tuy nhiên, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch lại giảm nhẹ 0,01%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê chỉ ra các nguyên nhân làm tăng CPI trong tháng Tư, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 1,11% thông qua các hoạt động thu gom lúa gạo của các thương lái nhằm thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký từ trước.

Hơn nữa, tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 8Cánh đồng lúa mất trắng ở Bạc Liêu do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Xem thêm: Khô hạn, nắng nóng tác động mạnh đến đà tăng CPI tháng Tư

Chủ quán càphê Xin Chào không phạm tội Kinh doanh trái phép
Ngày 23/4, ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh, về vụ án Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố, truy tố về tội kinh doanh trái phép.

Sau khi nghe lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh báo cáo toàn bộ nội dung quá trình giải quyết; nghe ý kiến của các Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kết luận: hành vi của ông Nguyễn Văn Tấn không phạm tội “Kinh doanh trái phép” theo quy định tại Điều 159 Bộ Luật Hình sự.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bình Chánh ra ngay quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định tại khoản 2 Điều 107, khoản 1 Điều 169 Bộ Luật tố tụng hình sự, đồng thời tiến hành công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Nguyễn Văn Tấn theo quy định của pháp luật.

Trước đó, một số báo đã phản ánh, thông tin liên quan đến việc ông Nguyễn Văn Tấn bị xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiểm tra thông tin, phản ánh liên quan đến việc xử lý hình sự về hành vi kinh doanh trái phép đối với ông Nguyễn Văn Tấn và thông báo Thủ tướng Chính phủ biết kết quả.

Theo các báo phản ánh, ông Nguyễn Văn Tấn (50 tuổi, ​trú tại quận Bình Tân) là chủ quán càphê Xin Chào, nằm đối diện trụ sở mới của Công an huyện Bình Chánh, bị khởi tố vì lý do chậm đăng ký kinh doanh.

Ngày 8/8/2015, ông Tấn khai trương quán càphê Xin Chào kinh doanh càphê, ăn sáng, ăn trưa.

Ông Tấn cũng có làm làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và được hẹn trả kết quả vào ngày 19/8/2015. Tuy nhiên, trong lúc chờ kết quả hồ sơ thì Công an huyện Bình Chánh liên tiếp ra các án phạt.

Cụ thể, sáng 13/8/2015, Công an huyện Bình Chánh đã kiểm tra hành chính, lập biên bản với quán của ông vì lỗi vi phạm “Hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.”

Ngày 25/9, Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh ký quyết định khởi tố bị can với ông Tấn. Quyết định này cũng đã được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh phê chuẩn. Ngày 11/3/2016, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh ban hành cáo trạng truy tố ông Tấn về hành vi “Kinh doanh trái phép”.

Sự kiện trong nước tuần 18-24/4: Cá chết bất thường ở Bắc Trung Bộ ảnh 9Quán càphê Xin Chào

Xem thêm: Chủ quán càphê Xin Chào không phạm tội Kinh doanh trái phép

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục