Tác động tiêu cực của COVID-19 đối với kinh tế thế giới ngày càng lớn

Hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong tháng 2/2020, thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tác động tiêu cực của COVID-19 đối với kinh tế thế giới ngày càng lớn ảnh 1Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại một nhà máy ở huyện Đào Viên, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày 20/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Những quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với kinh tế thế giới đã gia tăng trong những ngày vừa qua.

Hoạt động chế tạo của Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19, trong tháng 2 vừa qua đã giảm mạnh hơn dự kiến, bởi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch bệnh đã dẫn tới việc đóng cửa nhiều nhà máy ở nước này.

[Tất cả cửa khẩu Trung-Việt ở Quảng Tây khôi phục hoạt động]

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 29/2 công bố số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất chưa từng thấy trong tháng 2/2020, thậm chí còn tồi tệ hơn thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, phản ánh tác động to lớn của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo NBS, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) chính thức của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 35,7 điểm trong tháng 2/2020, so với mức 50 điểm trong tháng Một.

Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự báo PMI ở mức 46 điểm.

Mốc 50 điểm là ngưỡng phân chia hoạt động sản xuất tăng trưởng hay sụt giảm.

Đây là số liệu chính thức đầu tiên thể hiện thể trạng của nền kinh tế Trung Quốc kể từ khi bùng phát dịch COVID-19.

Kết quả khảo sát trên được công bố giữa bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới sụt giảm mạnh trước những quan ngại về việc dịch COVID-19 sẽ lan rộng hơn nữa cùng với các tác động kinh tế trên toàn cầu.

Danh sách các nước và vùng lãnh thổ xác nhận các trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đã tăng lên gần 60.

Theo thống kê tính đến ngày 29/2, hơn 85.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với khoảng 2.900 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu.

Trong khi đó, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 29/2 thông báo sẽ cung cấp thêm một gói hỗ trợ khẩn cấp khác, sử dụng quỹ dự trữ trị giá hơn 270 tỷ yen (2,5 tỷ USD) trong vòng 10 ngày để giúp ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế do dịch COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Đây là phát biểu đầu tiên kể từ khi ông Abe hồi đầu tuần này bất ngờ yêu cầu đóng cửa tất cả trường học ở nước này trong vòng một tháng từ ngày 24/2.

Trước những diễn biến đáng quan ngại của dịch COVID-19, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại còn 2,4% năm 2020, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 và thấp hơn mức dự báo gần 3% trước đó.

Riêng với kinh tế Mỹ, các dự báo về tăng trưởng năm 2020 đã hạ xuống còn 1,7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 2,9% của năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục