Rừng đã tăng diện tích tại EU trong những thập kỷ gần đây. Nhưng sự phân bổ của rừng lại rất khác biệt trên khắp các lục địa.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm và suy thoái môi trường. Chúng giúp loại bỏ một lượng lớn carbon dioxide, giảm thiểu rủi ro thiên tai, giúp điều hòa nhiệt độ không khí và đất và trên hết, chúng mang lại những cảnh đẹp tuyệt vời.
Nhưng trong những năm qua, diện tích rừng trên thế giới đã suy giảm nghiêm trọng. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc ước tính rằng 420 triệu ha rừng, lớn hơn diện tích của EU, đã biến mất trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2020.
Nhưng xu hướng này lại đi ngược lại ở châu Âu. Theo dữ liệu của Eurostat, 39% diện tích Liên minh châu Âu được bao phủ bởi rừng, so với trung bình 31% trên toàn cầu, tăng 10% kể từ năm 1990.
Tuy nhiên diện tích rừng giữa các quốc gia trong khối có sự khác biệt lớn. Năm quốc gia thành viên có hơn một nửa diện tích đất được bao phủ bởi rừng gồm Phần Lan (66%), Thụy Điển (63%), Slovenia (61%), Estonia (54%) và Latvia (53%).
Các quốc gia như Đan Mạch (15%), Ireland (11%), Hà Lan (10%) và Malta (1%) thì lại tụt lại ở rất xa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này là lợi nhuận.
Tiến sỹ Marcus Lindner, nhà khoa học tại Viện Lâm nghiệp châu Âu, cho biết những quốc gia như Hà Lan hoặc Đan Mạchcó độ che phủ rừng rất thấp nhưng họ cũng sử dụng đất khá hiệu quả về mặt kinh tế.
“Hãy nhìn vào lượng thực phẩm được sản xuất tại Hà Lan. Nếu họ chuyển đổi những vùng đất nông nghiệp có giá trị cao sang lâm nghiệp, thì trên thực tế họ sẽ có thu nhập ít hơn nhiều,” ông nói.
Mặt khác, sự khác biệt này còn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và lịch sử. Chính phủ Đan Mạch cho biết vào khoảng những năm 1800, chỉ có 2-3% diện tích Đan Mạch được bao phủ bởi rừng do nạn chặt phá bừa bãi để phục vụ hoạt động nông nghiệp trong nhiều thế kỷ.
Một câu chuyện tương tự đã diễn ra tại Ireland, nơi mà vào cuối thế kỷ 19, độ che phủ rừng đã giảm từ 80% của 6.000 năm trước xuống còn khoảng 1%.
Tuy nhiên, một báo cáo cho thấy trong khi mức độ che phủ rừng của EU ngày càng tăng thì khối này lại góp phần vào nạn phá rừng ở các nơi khác, với việc tiêu thụ các sản phẩm sản xuất dựa trên việc phá rừng.
Đầu năm nay, Nghị viện châu ÂU đã thực hiện các bước để thay đổi điều này bằng cách bỏ phiếu thông qua việc không sử dụng một số lượng lớn các sản phẩm góp phần làm gia tăng nạn phá rừng.
Việc phát triển rừng ở châu Âu đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Tiến sỹ Lindner tin rằng tại một số quốc gia như Ireland, các nhà hoạch địch chính sách đã quyết định đẩy mạnh việc sản xuất gỗ. Trong khi ở các quốc gia khác, phần lớn việc chuyển đổi đất sang đất lâm nghiệp thực chất là hậu quả của việc bỏ hoang đất đai.
“Nhiều khu vực thường được sử dụng để chăn thả gia súc và các mục đích nông nghiệp ít thâm canh hơn. Khi không còn hiệu quả về mặt kinh tế, đất sẽ bị bỏ hoang và sau đó trở thành rừng,” ông giải thích.
Mặc dù diện tích đang gia tăng, nhưng các khu rừng cũng đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng từ gió, cháy rừng và bọ cánh cứng. Cháy rừng đã gây nhiều thiệt hại ở Địa Trung Hải, và năm 2022 là mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai được ghi nhận.
Một nghiên cứu toàn diện khác được công bố vào tháng 8 đã chỉ ra rằng những xáo trộn này đang trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ mùa Hè cao hơn, cùng với ảnh hưởng của hạn hán nhiều hơn và kéo dài hơn khiến cháy rừng dễ bùng phát và lan rộng hơn.
Những điều kiện tương tự này cũng cho phép bọ vỏ cây phát triển mạnh hơn, phá hoại và làm chết cây cối nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một hệ thống theo dõi vào báo cáo những xáo trộn trong rừng có quy mô toàn châu Âu và gần như theo thời gian thực. Họ cho rằng điều này sẽ kết hợp giữa “các quan sát trên mặt đát và viễn thám để tăng sự hiểu biết của chúng ta cũng như khả năng ứng phó với các yếu tố gây xáo trộn”./.